Xuất bản thông tin

null Thương mại ngành hàng xoài Việt Nam – Trung Quốc

Thông tin thị trường Tin tức

Thương mại ngành hàng xoài Việt Nam – Trung Quốc

Xoài là loại trái cây nhiệt đới đứng thứ hai trên thế giới, trong số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất xoài, Trung Quốc là nước sản xuất xoài lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 8,75% tổng sản lượng của thế giới.

 Diện tích canh tác xoài ở Trung Quốc phân bố chủ yếu ở Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu, ngoài ra còn được trồng rải rác ở các tỉnh khác. Năm 2020, diện tích xoài của Trung Quốc đạt 349.000 ha, với tổng sản lượng 3,306 triệu tấn và giá trị sản lượng 20,52 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, sản lượng xoài ở Hải Nam và Quảng Tây chiếm hơn 50% sản lượng xoài cả nước. Nhưng tỉnh Vân Nam và Phúc Kiến lại là hai tỉnh xuất khẩu xoài lớn nhất, năm 2020, tỉnh Vân Nam xuất khẩu 33.000 tấn xoài, chiếm 73,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giá trị xuất khẩu đạt 64,215 triệu USD, chiếm 74,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu xoài lớn mà còn là nước xuất khẩu xoài lớn, năm 2020 xuất siêu xoài lên đến 9,423 triệu USD. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại ngành hàng xoài của Trung Quốc đã tăng từ 74,188 triệu USD lên 160 triệu USD từ năm 2016 đến năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 22,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng từ 53,554 triệu USD lên 85,864 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 12,5% và giá trị nhập khẩu tăng từ 20,64 triệu USD lên 79,115 triệu USD, tăng bình quân hàng năm là 39,9 %.

Từ năm 2016 đến năm 2020, hầu hết các mặt hàng xoài xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu như xoài tươi và xoài sấy. Nhưng Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu một lượng lớn xoài tươi và sấy. Một sản phẩm chế biến phổ biến khác là nước ép xoài, tuy xuất khẩu chiếm tỷ trọng khá nhỏ nhưng giá trị xuất khẩu đã tăng từ 65.000 USD lên 166.000 USD, tăng trưởng bình quân hàng năm 26,2%, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu xoài tươi và xoài sấy. Với sự cải thiện về công nghệ và năng lực chế biến của các doanh nghiệp Trung Quốc, tỷ trọng sản phẩm chế biến từ xoài được kỳ vọng sẽ tăng hơn nữa.

Xoài Trung Quốc và các sản phẩm của chúng chủ yếu được xuất khẩu sang Việt Nam và Hồng Kông, giá trị xuất khẩu của hai thị trường này chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất, năm 2020, Trung Quốc xuất khẩu 24.900 tấn xoài sang Việt Nam, với giá trị xuất khẩu 48,927 triệu USD, chiếm 57,1% tổng giá trị xuất khẩu, giá xuất bình quân 1.965 USD/tấn (45.292 đồng/kg); đứng thứ hai là Hồng Kông Trung Quốc, với lượng xuất khẩu 11.200 tấn, trị giá xuất khẩu đạt 22,826 triệu USD, chiếm 26,6% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 2016 đến năm 2020, xuất khẩu xoài Trung Quốc sang Việt Nam có xu hướng tăng lên, trong khi xuất khẩu sang Hồng Kông, Trung Quốc giảm nhẹ. Điều đáng chú ý là mặc dù xuất khẩu bình quân hàng năm sang Nga chỉ chiếm 8,3% nhưng tốc độ tăng bình quân hàng năm cao tới 1,1 lần, gấp hơn 10 lần tốc độ tăng bình quân hàng năm của nhóm hàng này. Ngoài ra, xoài của Trung Quốc còn được xuất khẩu sang Malaysia và Hoa Kỳ .

Đồng thời, Trung Quốc cũng nhập khẩu xoài từ Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam, Australia, Peru và các nơi khác, nhập khẩu từ 5 thị trường chính chiếm hơn 90% tổng lượng nhập khẩu. Từ năm 2016 đến năm 2020, nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan đều có xu hướng tăng, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam tăng đáng kể, trong khi nhập khẩu từ Peru và Australia giảm nhẹ. Việt Nam không chỉ là thị trường xuất khẩu xoài lớn nhất của Trung Quốc mà còn là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 67.200 tấn xoài từ Việt Nam, chiếm 79,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; kim ngạch 48,64 triệu USD, chiếm 63,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, giá nhập bình quân 724 USD/tấn (16.684 đồng/kg) theo đường chính ngạch. Ngoài ra Trung Quốc còn nhập khẩu của Thái Lan 11.713 tấn xoài kim ngạch 12,55 triệu USD, giá xoài nhập khẩu bình quân của Thái là 1.070 USD/tấn (24.664 đồng/kg). Điều đáng nói, lô xoài Campuchia đầu tiên đã đến thị trường Trung Quốc vào tháng 5 năm 2021 sau khi tiếp cận được thị trường Trung Quốc, và lượng nhập khẩu đạt 211 tấn trong 4 tháng năm 2021.

Trái ngược với xuất nhập khẩu xoài tươi, lượng nước ép xoài nhập khẩu của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lượng xuất khẩu của nước này. Ngành sản xuất sản phẩm chế biến từ xoài của Trung Quốc còn một chỗ trống rất lớn, năm 2019, lượng nước ép xoài của Trung Quốc nhập khẩu là 1.805,7 tấn, lượng xuất khẩu là 221,5 tấn và lượng nhập khẩu gấp 8 lần lượng xuất khẩu. Năm 2021, sản lượng xoài thu hoạch Trung Quốc đến tháng 9 ước đạt 2,4 triệu tấn, trong đó đảo Hải Nam thu hoạch cao điểm vào tháng 3-5 đạt 800.000 tấn; tỉnh Quảng Tây diện tích 88.667 ha sản lượng 900.000 tấn.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2020, xuất khẩu xoài sang Trung Quốc đạt kim ngạch 178,68 triệu USD chiếm tỷ lệ 53,68% tổng kim ngạch xoài xuất khẩu của Việt Nam, cao gấp 3,67 lần số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, điều đó cho thấy 1 lượng lớn xoài xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi theo con đường tiểu ngạch. Tương tự, trong 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 170,39 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 69,2% thị phần xoài.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\NAM 2021\QUI 4-2021\BAN TIN THI TRUONG\2.Ky2- Thuong mai nganh hang xoai Viet Nam - TQ\HINH.JPG

Trong suốt thời gian dài, việc khai thác thị trường trái cây nhiệt đới ở Trung Quốc, trong đó có xoài còn mang tính tự phát, đầy tính may rủi. Trong suy nghĩ của phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam vẫn xem đây là thị trường “dễ tính”, yêu cầu về chất lượng sản phẩm thấp. Đến năm 2019, Trung Quốc đặt một loạt hàng rào kỹ thuật về mã vùng để truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thì các doanh nghiệp Việt tìm cách né tránh bằng con đường thuê cửa vạn Trung Quốc mang nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc. Phương thức đến nay của doanh nghiệp Việt Nam là tìm cách bán xoài “rẻ hơn” thay vì “ngon hơn” để cạnh tranh với 3,5 triệu tấn xoài sản xuất tại Trung Quốc. Phương châm bán rẻ hơn để cạnh tranh nên xuất khẩu chủ yếu là Tượng Da Xanh giá 310-380 USD/tấn (7.055-8.648 đồng/kg) để cạnh tranh xoài Trung Quốc có giá 4-6 yuan/kg (14.110-20.940 đồng/kg). Trong khi năm 2020, Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc 11.713 tấn xoài, kim ngạch 12,55 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân 1.070 USD/tấn (24.464 đồng/kg).

Chiến lược xuất khẩu giá thấp chỉ giúp nhà vườn giải quyết phần nông sản dư thừa, không giúp họ cải thiện thu nhập. Xoài Việt Nam tại Trung Quốc chỉ bán ở các chợ truyền thống, bán cho người có thu nhập thấp ở Trung Quốc. Xoài Việt hoàn toàn vắng bóng ở các siêu thị và trung tâm thương mại của Trung Quốc. Chúng ta mang mặt hàng sang đất nước có diện tích sản lượng xoài và nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, mà lại sao chép giống xoài Tượng Da Xanh có xuất xứ từ Trung Quốc rồi lại cạnh tranh bằng cách bán giá rẻ hơn, điều đó cho thấy tính non kém khi mang chuông đi đánh xứ người của doanh nghiệp Việt.

Th.s Nguyễn Phước Tuyên