Xuất bản thông tin

null Nhìn lại 2020 Thị trường trái cây - Vừng ơi, mở ra

Chi tiết bài viết Tin tức

Nhìn lại 2020 Thị trường trái cây - Vừng ơi, mở ra

Dù đại dịch Covid 19 khiến mọi việc làm ăn, sinh sống khó khăn nhưng Việt Nam vẫn dành trên 1 tỷ USD nhập khẩu trái cây. Vì sao người tiêu dùng chuộng trái cây nhập khẩu? Trả lời câu hỏi này, nhiều nhà bán lẻ chỉ cười mà nói rằng: Tươi ngon, khẩu vị đa dạng và dễ truy xuất nguồn gốc.

Chuyển đổi

Thực ra giá trái cây ngoại nhập trong cửa hàng, siêu thị không hề rẻ trừ những loại giả xuất xứ bán vỉa hè.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi 215 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ các nước. Trong đó, trái cây nhập khẩu trong tháng 1-2020, từ Chile tăng 4,86 lần, Myanmar tăng 2,17 lần, Campuchia tăng 68%, Nam Phi tăng 41,3% và Mỹ tăng 19,4%.

Đầu năm 2020, cam Mỹ nhập khẩu chính ngạch lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam giá bán lẻ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mức giá này khá cao so với mặt bằng giá cam trên thị trường, kể cả cam nhập khẩu từ các nguồn khác. Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả về Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 11/2020 trên 60,67 triệu USD, tăng 15,7% so với 15 ngày đầu tháng 10/2020. Lũy kế từ đầu năm đến trung tuần tháng 11-2020, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả đã trên 1,11 tỷ USD. Riêng hai nguồn nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc đã chiếm gần nửa tỷ USD. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc trên 294 triệu USD (giảm 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái); Từ Mỹ khoảng 229,95 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng “việc trái cây ngoại ngày càng phủ rộng thị trường là đương nhiên trong quan hệ giao thương, trong khi rau quả Việt Nam vẫn xuất đi các nước đó thôi”.

Từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 11/2020, Trung Quốc nhập trái cây trị giá khoảng 1,62 tỷ USD; Mỹ khoảng 144,2 triệu USD, Nhật trên 140,54 triệu USD. Trong đó thanh long các loại đã chiếm trên 1 tỷ USD (thanh long đông lạnh 944.000 USD, nước ép thanh long 127.000 USD). Trong tháng 11/2020, chủng loại hàng xuất khẩu tăng chủ yếu là thanh long, xoài tươi hoặc đông lạnh, chuối, mít, chanh; nhóm khoai lang và ớt tăng, chỉ có nhãn, sầu riêng giảm. Đáng chú ý, khi giá thanh long nghịch vụ nội địa giảm mạnh xuống mức 5.000 – 7.000 đồng/kg do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng và Trung Quốc giảm nhập khẩu. Giá xuất khẩu bình quân thanh long tươi ruột đỏ ở những thị trường khác vẫn từ 1.000 đến 1.015,7 USD/tấn, thanh long tươi ruột trắng đạt mức 500 đến 573 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân thanh long đông lạnh 1.473,4 USD/tấn và nước ép thanh long 1.335,1 USD/tấn. Xu hướng gia tăng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả dịp cuối năm, tập trung ở thị trường trọng điểm có số đông người Hoa và cộng đồng người Châu Á tại  Mỹ, Australia, Hongkong, Singapore. “Nếu không muốn thua trên sân nhà và có thể chinh phục thị trường thì ngành trái cây Việt Nam phải nâng chất lượng và phát triển đa dạng”, theo ông Đặng Phúc Nguyên.

Đa dạng “đầu ra”

Ước tính năm 2021, giao dịch rau, quả chế biến toàn cầu có thể đạt 317 tỷ USD - có tính đến những ảnh hưởng do đại dịch tác động tới vận chuyển. Trước đây, dựa theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), mỗi năm nhu cầu về rau quả toàn cầu đạt khoảng 650 tỷ USD về giá trị. Trong đó thị trường nước ép rau, quả toàn cầu đạt khoảng 160 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 6%/năm từ nay đến năm 2022. Điều này cho thấy dự báo thị trường rau quả chế biến trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu đang gia tăng.

Năm 2018, các dự báo thị trường nhập khẩu rau, quả của thế giới chỉ khoảng 264,4 đến 270 tỷ USD một năm sau đó, nhưng hiện nay nhu cầu rau quả tươi và chế biến đều tăng.

Thanh long mang vể trên 1 tỷ USD- ảnh Internet

Về luồng thương mại rau quả sang châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,01 tỷ USD. Tuy giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã hiện rõ  “nhân tố” Hà Lan gắn với các sản phẩm khác (mã HS 20) trong tổng nhập khẩu của nước này. Trong khu vực châu Âu, Pháp thường sử dụng Hà Lan hoặc Bỉ cho hoạt động logistics.

Năm 2018, Pháp nhập khẩu 3,5 triệu tấn trái cây và 2,4 triệu tấn rau. Đối với hầu hết loại trái cây, Pháp vừa là nhà nhập khẩu ròng, vừa là thị trường cuối cùng. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là cà chua, đậu và ớt chuông của Maroc. Nước này đã nhập khẩu 2 triệu tấn rau quả từ các nước đang phát triển vào năm 2018, trong đó 600.000 tấn đến từ Morocco và 25.000 tấn chuối chủ yếu từ Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên, thống kê gần đây cho thấy, Pháp đã nhập khẩu rau từ các nước đang phát triển.

Các thông tin từ thương vụ Đại sứ quán, khi xuất hàng vào châu Âu thì cơ hội lớn nếu hợp tác với các thương nhân Hà Lan hoặc Tây Ban Nha. Trong khi Tây Ban Nha chịu trách nhiệm về dòng chảy thương mại rau quả chính của Châu Âu thì Hà Lan lại xuất khẩu một lượng lớn rau quả nội địa và tái xuất trái cây tươi từ nhiều nguồn gốc khác nhau sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu rau quả vào EU nên có kế hoạch tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan, thông qua đó thâm nhập thị trường EU. Rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho Châu Âu thông qua cảng Rotterdam - Hà Lan đang hoạt động như một trung tâm thương mại quan trọng ở châu Âu. Giá trị nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển tăng 55% từ năm 2014 đến nay. Hà Lan đang có xu hướng nhập khẩu tăng mạnh các loại nông sản như các loại hạt, hoa quả tươi (đặc biệt là bưởi).

Năm 2019, Liên minh châu Âu nhập khẩu trái cây mã HS 080450 (quả ổi, quả xoài, măng cụt) và mã HS 081090 (trái me, táo, hạt điều, vải thiều, mít, mận, quả hồng xiêm, chanh leo, khế và thanh long) hơn 720.000 tấn, trị giá 1,48 tỉ USD. Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, châu Âu chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu.

Cơ hội mới

Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên 500 tỷ USD/năm, Canada cho rằng giá trị trao đổi thương mại Việt Nam và Canada chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch thương mại nước này. Cựu Thủ hiến Quebec, ông Jean Charest chia sẻ: “Câu hỏi đặt ra là Canada và Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã tận dụng được hết lợi thế của CPTPP hay chưa; liệu chúng ta đã nhìn ra tất cả các cơ hội. Câu trả lời theo tôi rõ ràng là "chưa" đối với các doanh nghiệp Canada, điều này thực sự mang lại một góc nhìn mới trong việc đầu tư vào Việt Nam”, ông Jean Charest nói: “Ngược lại, tại các siêu thị ở Canada, không quá khó để có thể tìm thấy các sản phẩm "Made in Vietnam”. Năm 2020, Canada thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới. Điều này có nghĩa là các công ty Việt Nam đầu tư vào Canada sẽ được tiếp cận với cả Mỹ và Mexico. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam hồi trung tuần tháng 11 vừa qua đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) quy tụ 15 quốc gia, chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, với quy mô GDP của khối đạt 26.000 tỷ USD.

Xoài giống bản địa của Việt Nam luôn được đánh giá cao - Ảnh Internet

Thuận lợi ở những thị trường này đều coi trọng chuẩn mực, theo các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu trái cây từ đồng bằng sông Cửu Long, muốn đạt được sự thay đổi về chuẩn mực, sản phẩm của Việt Nam cần khắc phục 4 điểm nghẽn:

1/ Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất lỏng lẻo, nơi làm ăn bài bản thì sản lượng không đáng kể, tự thân nhà vườn, kể cả hợp tác xã không thể minh bạch chuỗi và lo chi phí chứng nhận;

2/ Khâu bảo quản chế biến còn hạn chế. Cả nước có 145 cơ sở chế biến rau quả nhưng chủ yếu là sơ chế; bảo quản rau quả đang ở trình độ thấp trong khi cả nước có 16 triệu tấn rau và 8,5 triệu tấn trái cây trong một năm;

3/Hệ thống sản xuất - tiêu thụ, logistics, thương mại nông thôn, khu kinh tế cửa khẩu và các vấn đề về thông quan…chưa được như mong muốn;

4/ Việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật chưa nghiêm nên làm hàng an toàn thì chi phí và lợi ích chưa đi đôi.

Về cơ chế, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đang được đề xuất sửa đổi. Tương lai sẽ có nghị định về nông nghiệp hữu cơ, nếu ý thức “hành động địa phương, tư duy toàn cầu” từ nhiều vùng trồng và hệ thống quản lý nhà nước thì tình hình sẽ được cải thiện. Hiện nay, các FTA là cơ hội nhưng phải có hàng chuẩn mực mới có thể gọi - “Vừng ơi, mở ra”- theo các doanh nghiệp./.

Gia Viên_ Trung tâm BSA