Xuất bản thông tin

null Cần có những bước đi bền vững trong việc phát triển sản phẩm OCOP

Chi tiết bài viết Tin tức

Cần có những bước đi bền vững trong việc phát triển sản phẩm OCOP

Năm 2019, Đồng Tháp có được 70 sản phẩm đạt thứ hạng từ 3-4 sao, trong đó có 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, với 30 chủ thể tham gia. So với chỉ tiêu đặt ra vào năm 2018 – phấn đấu trong giai đoạn từ quý IV/2018 đến năm 2020 đạt 18 sản phẩm OCOP đạt thứ hạng từ 3-5 sao – con số 70 sản phẩm đã tạo ấn tượng khá thuyết phục. Tuy vậy, cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, Đồng Tháp cũng cần có nhiều nỗ lực hơn, nhiều giải pháp căn cơ hơn để giúp cho Chương trình OCOP của địa phương phát huy được hiệu quả một cách tốt nhất.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\QUI 4-2020\13. Thong tin thi truong\Ky 6-T10\4. Cần có những bước đi bền vững trong việc phát triển sản phẩm OCOP\HINH.JPG

            Trước hết, trong bước tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ thể để vận động họ tham gia Chương trình, cán bộ thực hiện Chương trình cần lựa chọn hình thức tuyên truyền thích hợp với điều kiện của từng địa phương, không phải lúc nào, ở đâu cũng chỉ áp dụng hình thức họp hội hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, cấp phát tài liệu…Thay vào đó, theo tôi các địa phương nên lựa chọn hình thức tuyên truyền sao cho gây được sự lôi cuốn các chủ thể, chẳng hạn như chúng ta có thể sử dụng chính những chủ thể đạt được sản phẩm có thứ hạng 3-5 sao của những năm trước đó để tọa đàm với các chủ thể mới tiềm năng. Tại đây, các chủ thể mới sẽ mạnh dạn hơn và tin tưởng hơn khi được chuyển tải thông tin từ những chủ thể đã được sản phẩm 3-5 sao. Thêm vào đó, cán bộ làm công tác tuyên truyền phải hướng đến cách làm truyền thông hơn là thông tin, có nghĩa là chúng ta cần phải nắm được xem các chủ thể có tiếp cận và hiểu được thấu đáo những thông tin về chương trình mà chúng ta đã chuyển tải cho họ. Ngoài ra, đi đôi với việc tuyên truyền, chúng ta cũng cần phải tận tình hướng dẫn cho các chủ thể biết và hiểu được chu trình thực hiện Chương tình OCOP, cụ thể là những gì họ cần phải làm để có đủ điều kiện tham gia Chương trình. Đây là vấn đề hết sức thực tế do phần lớn các chủ thể tiềm năng của Chương trình trong giai đoạn này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – hạn chế về sự sẵn lòng mở rộng qui mô sản xuất, cũng như phát triển sản phẩm mới.

            Kế đến, để khuyến khích cho các chủ thể phát kiến những ý tưởng sản phẩm hiện có và hoặc những sản phẩm mới hoàn toàn, cán bộ quản lý các cấp (xã, huyện, tỉnh) phải đóng vai trò kiến tạo để tham vấn cho họ những ý tưởng phát triển sản phẩm. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp tốt giữa cán bộ kỹ thuật và kinh tế, kể cả việc tận dụng ý kiến của chuyên gia từ bên ngoài địa phương trong quá trình triển khai chu trình OCOP. Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương trong năm 2019 có không ít sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao xuất phát từ Chương trình khởi nghiệp của các đoàn thể (Thanh niên và Phụ nữ), Chương trình Khuyến công Quốc gia, Chương trình bình chọn Sản phẩm Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu v.v…Do vậy, thiết nghĩ hàng năm Đồng Tháp nên có những Chương trình bình chọn và thương mại hóa ý tưởng phát triển sản phẩm mới để kích thích cho mọi đối tượng trong cộng đồng phát triển ý tưởng.

            Sau khi các ý tưởng của các chủ thể được chấp thuận, bước thứ 3 trong chu trình OCOP là xây dựng kế hoạch/phương án kinh doanh của các chủ thể cho các ý tưởng sản phẩm mà họ đã đưa ra và đã được chấp nhận. Trong thực tế, đây được xem là bước khó khăn nhất của các chủ thể, đặc biệt các chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa/hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Chính vì vậy, trong những năm đầu thực hiện Chương trình này, các địa phương nên nhờ vào sự hỗ trợ của các chuyên gia, tư vấn để giúp cho các chủ thể xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thuê mướn chuyên gia, tư vấn các địa phương cần có chiến lược đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương theo hình thức huấn luyện chuyền (cán bộ địa phương tham gia với các chuyên gia, tư vấn trong quá trình các chuyên gia, tư vấn này hỗ trợ cho các chủ thể) để một khoảng thời gian sau đó, những cán bộ địa phương này có thể trực tiếp hỗ trợ cho các chủ thể và về lâu dài hơn nữa, các chủ thể sẽ có thể tự xây dựng kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh, có như vầy mới có thể giúp cho Chương trình OCOP phát triển một cách bền vững.

            Trong các bước còn lại của chu trình OCOP, bước hỗ trợ cho các chủ thể đạt sản phẩm từ 3 sao trở lên trong việc xúc tiến thương mại. Theo tôi, đây là bước mang tính quyết định cho sự tồn tại và duy trì đẳng cấp của sản phẩm, cũng như là bước đệm cần thiết để nâng cao đẳng cấp cho sản phẩm. Có nhiều cách để xúc tiến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và lợi nhuận cho chủ thể, tùy vào thuộc tính của từng sản phẩm và tùy vào điều kiện cụ thể mà lựa chọn hình thức thích hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Như là kết quả hiển nhiên, nếu bước này đạt hiệu quả tốt sẽ giúp cho bước đầu tiên – tuyên truyền, hướng dẫn – được thực hiện dễ dàng và hiệu quả hơn.

            Một điểm cần được chia sẻ khác nhằm để giúp cho Chương trình OCOP phát triển một cách bền vững là phát triển sản phẩm OCOP không nên chạy theo quan điểm “Được bao nhiêu sản phẩm OCOP cho địa phương”, thay vào đó nên dựa trên quan điểm “Có được bao nhiêu sản phẩm OCOP đã được gia tăng giá trị”. Chính vì vậy, theo tôi, trong năm 2020, thành quả của Chương trình OCOP của Đồng Tháp không phải là “Có được thêm bao nhiêu sản phẩm OCOP có thứ hạng 3-5 sao”, thay vào đó là “Có được bao nhiêu sản phẩm OCOP đạt thứ hạng 3-4 sao năm 2019 được nâng điểm số so với năm trước đó, và có bao nhiêu sản phẩm 3 sao được nâng lên 4 sao, cũng như có bao nhiêu sản phẩm 4 sao được nâng lên 5 sao”. Nói cách khác, theo tôi, hướng đến việc chuẩn hóa sản phẩm hơn là chạy theo số lượng sản phẩm đạt thứ hạng OCOP.        

                                                                                                                         PGS,TS. Nguyễn Phú Son

Khoa Kinh tế, Trường ĐH Cần Thơ