Xuất bản thông tin

null Một chiến dịch hoàn hảo

Chi tiết bài viết Tin tức

Một chiến dịch hoàn hảo

Chưa có mặt hàng nào được các Bộ, ngành, Thương vụ các Đại sứ quán xây dựng kịch bản chiến dịch truyền thông “đủ liều“, “ tiến – thoái” hoàn hảo như việc tiêu thụ vải thiều trong hai tháng qua. Đầu tháng 7-2020 có vẻ như hình ảnh vải thiều bày bán la liệt, giảm giá theo hè phố không còn nữa.

Vải thiều Lực Ngạn- ảnh Internet

Giá rẻ không còn hiệu nghiệm

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho biết, Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Trung Quốc bằng cách kết nối Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang với Quảng Tây và Vân Nam. Có 309 thương nhân Trung Quốc hứa sẽ sang Việt Nam cùng doanh nghiệp địa phương thu mua vải thiều, sau khi kết nối trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước và 2 điểm cầu tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng sức tiêu thụ vẫn yếu ớt. Từ đầu năm đến giữa 15/6/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả nói chung sang thị trường Trung Quốc chỉ khoảng 969,03 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tiêu thụ nội địa là cứu cánh?

Các tiểu thương chợ truyền thống của Hà Nội bán loại vải trái tròn, to, vị ngọt với giá từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, loại vải “tu hú” trái nhỏ, hơi dài, chua với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, siêu thị Big C giảm giá từ 32.000 đồng/kg vải thiều Thanh Hà xuống 22.900 đồng/kg. Big C cam kết tiêu thụ khoảng 1.000 tấn, nhưng chẳng ăn thua gì so với sản lượng trên 200.000 tấn vải của Bắc Giang và Hải Dương. ”Tập đoàn đã xuất khẩu vải sang Thái Lan bán tại hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall”, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam Nguyễn Thị Phương cho biết. Tuy nhiên, khi siêu thị Co.op Mart cũng giảm giá khi đưa vải thiều vào tiêu thụ tại các siêu thị Co.op Mart toàn quốc, các siêu thị FujiMart, Hapro Mart, Seika Mart... nhập cuộc, cũng giảm giá. Vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn (Hải Dương và Bắc Giang) được bán với giá 25.000 - 40.000 đồng/kg, rẻ một nửa so với năm trước, sức tiêu thụ chậm. Tới khi vải thiều của huyện Lục Ngạn thu hoạch rộ, với 15.300ha, sản lượng trên 85.000 tấn, giá bắt đầu xuống từng ngày. Giảm giá bán lẻ không phải là phương thuốc kỳ diệu vì lượng hàng bán lẻ không cân bằng được lợi ích của người trồng khi các cam kết tiêu thụ có giới hạn.

Bước ngoặt

Ngày 3/6, cuối cùng, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã cử chuyên gia giám sát từng lô vải xuất khẩu- ảnh Internet

Các chuyên gia Nhật Bản hoàn tất thời gian cách ly Phòng dịch SARS-CoV-2 đã trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu sang Nhật. Nghe chừng hiệu ứng truyền thông đang ở bước ngoặt sau hơn 5 năm đàm phán. Tất cả lô vải xuất khẩu phải được xác định đúng chuẩn, đóng gói đúng quy cách và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận (liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 120 phút) dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Ngày 19/6, lô vải đầu tiên đã xuất đi Nhật bằng đường hàng không và chỉ sau 7 tiếng đã có mặt tại thị trường Nhật Bản. Lượng vải còn lại (trong tổng số 5 tấn của ngày 18/6) đi bằng đường biển. Ngày 24/6, tiếp tục chuyến nữa. Vải thiều sang Nhật, ra tới siêu thị giá cao gấp 10 lần  nơi xuất xứ nhờ lòng tin vào chất lượng.

Đầu cầu phía Nhật, Thương vụ Đại sứ quán đã “ tác hợp” đầu mối nhập khẩu như AEON, VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm…và Công ty Red Dragon, Chánh Thu, Ameii- đầu mối xuất khẩu của Việt Nam- để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản trong suốt mùa vải năm nay. Ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành Công ty TNHH AEON, cho biết vải thiều của Việt Nam rất ngọt, ngon, hạt nhỏ, thể hiện chất lượng rất tốt. AEON rất muốn nhập khẩu các mặt hàng này để phục vụ người tiêu dùng tại Nhật Bản. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam hãnh diện khi lô vải xuất sang Nhật chứng tỏ trình độ kỹ thuật của ngành nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường chuẩn mực như Nhật Bản. Từ đây, Việt Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm khi tiếp cận các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe. “Nên xem sự kiện này là cách góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân Việt Nam không chỉ giúp họ có thu nhập cao hơn mà từ đó giúp long nhãn và nhiều hoa quả khác của Việt Nam xuất sang Nhật”, Đại sứ  Vũ Hồng Nam nhấn mạnh.

Hai nhà nhập khẩu (Sunrise farm và Yufruits Co Ltd) cam kết tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều của Việt Nam trong niên vụ 2020.

Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu- Ngô Tường Vy - cho biết vải thiều Việt Nam nhanh chóng cháy hàng tại Nhật. Các siêu thị đặt mua hết, với giá bán sỉ 8 - 12USD/kg. Cước phí vận chuyển hàng không 3,5 USD/kg nên dù bán được giá cao nhưng công ty chỉ lãi giới hạn; Chừng nào vải thiều chở theo đường biển với cước phí thấp mới tính đến chuyện lợi nhuận. Công ty Chánh Thu xuất khẩu ít nhất 15 tấn vải thiều/tuần từ giữa tháng 6 cho đến khi hết vụ. Đó là động lực kích hoạt cuộc đua. Tại Hải Dương, khi Công ty Chánh Thu mua khoảng 100 tấn vải thiều, Công ty chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) liền mua 300 tấn, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cam kết mua 250 tấn vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, Canada...; Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Red Dragon hứa mua 150 tấn xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, khu vực Trung Đông… hệ thống siêu thị trong nước đã tiếp xúc các hợp tác xã để liên kết sản xuất – tiêu thụ; các doanh nghiệp và thương lái thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc xưa nay “ông lên - bà xuống”, nay đã ăn nói đàng hoàng hơn.

Bài học cho những ngành hàng khác

Ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành Công ty TNHH AEON, nhận xét vải thiều Việt Nam rất ngọt, ngon, hạt nhỏ, chất lượng rất tốt ảnh Internet.

Trong hai tháng, Bắc Giang đã bán hết 134.000 tấn vải (nội địa và xuất khẩu), điều mà lâu nay nằm mơ cũng không thấy. Diện tích trồng vải của tỉnh Hải Dương hơn 9.750ha, sản lượng trái vải khoảng 45.000 tấn, cao hơn 20.000 tấn so niên vụ vải năm 2019. Nhưng chỉ có 170 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, sản lượng trên 1.000 tấn. Vùng nguyên liệu đạt chuẩn thuộc huyện Thanh Hà (xã Thanh Thủy và Thanh Xá là trung tâm) chỉ có 77/350 ha vải đạt chuẩn VietGAP và Global GAP. Nhiều phân tích cho rằng viễn cảnh quá tốt nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn mở rộng thị trường. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Singapore trong 15 ngày đầu tháng 6 đã tăng tới 320 % so với 15 ngày cuối tháng 5/2020. Cộng dồn từ đầu năm 2020 đến 15/6/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Singapore trên 19,39 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2019. Gần 50/100 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Singapore. Vải thiều Việt Nam đã bày bán ở chuỗi siêu thị FairPrice của Singapore. Lần đầu tiên người dân Đảo quốc sư tử được thưởng thức vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam, giá khuyến mãi tuần đầu từ 5 đến 6 SGD/1kg (tương đương 84.000 VND) bằng giá vải Trung Quốc “mua đi bán lại” tại Singapore.

Đại diện mua hàng của FairPrice nói họ đã trực tiếp đi thẩm định các trang trại đủ khả năng đóng gói và xuất khẩu, tiến hành đặt hàng và chuyển những container đầu tiên đi Singapore vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, để trái vải thiều vào thị trường Singapore ổn định trong những năm tiếp theo, cần rà soát, rút kinh nghiệm trước khi tổ chức “Ngày vải Việt Nam tại Singapore”.

Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang Mỹ từ đầu năm đến ngày 15/6/2020, tuy chỉ khoảng 69,43 triệu USD, nhưng đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường này nhiều hứa hẹn, có bao nhiêu vùng trồng giúp doanh nghiệp xuất khẩu tự tin khi xây dựng chiến lược xuất vải sang Mỹ ?

Cơ hội từ EVFTA

Liên minh châu Âu là thị trường lớn gồm 27 thành viên. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là thỏa thuận có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích, với các nước có một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính).

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22% (phần lớn từ 6-22%) sẽ giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau 3-7 năm.Việc ký kết hiệp định này đã mang lại cơ hội hợp tác song phương, chưa từng có từ trước tới nay và được ví như “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” giữa Việt Nam và EU, các nhà xuất khẩu nên phát triển chiến lược dài hạn cho thị trường này sau khi đã thành công ở thị trường Nhật, Australia, Mỹ, Đài Loan, Singapore…, cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long.

Phải mất 5 năm thương lượng, đàm phán, nghiên cứu, đánh giá, khảo sát từ nhiều góc độ khác nhau trước khi khơi thông dòng chảy vải thiều. Lần đầu, có khi 60% phần thắng thuộc về nhà nhập khẩu, tức bạn hàng chứ không phải người bán. Dù chỉ chắc thắng 40% nhưng đó là tiền đề triển vọng. Nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương thừa nhận ”sợ nhất là người trồng không đi “nước bền”, không theo đuổi triển vọng lâu dài.

Người Nhật thích vải thiều và Xoài từ Việt Nam- ảnh Internet

Các đối tác đều đã khảo sát thật kỹ thị trường vì mấy lý do:

1/ Càng hiểu rõ định tính, định lượng, tập quán, tâm lý khách hàng tiềm năng sẽ giúp chúng ta tìm ra biện pháp thích hợp để đưa sản phẩm của mình vào thị trường một cách thành công.

2/ Qua khảo sát thị trường, sẽ có thêm ý tưởng chỉn chu, phát triển sản phẩm và lựa chọn chiến lược định vị đúng cho sản phẩm tại từng thị trường cụ thể.

3/ Việc khảo sát sẽ cung cấp những chi tiết rất quan trọng hỗ trợ từ việc phát hiện ra thị trường “ngách” cho đến việc hoạch định một chiến lược tiếp thị xuất khẩu có hiệu quả. Nhờ đó không phải lãng phí tiền bạc và công sức cho những hy vọng sai lầm.

4/ Khảo sát thị trường cần thiết, nhưng có thể lần đầu vẫn còn trục trặc nhưng nó giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân sai lầm và cách giám sát mối nguy.

5/ Khảo sát thị trường giúp tìm ra những thị trường lớn nhất cho sản phẩm, các thị trường tăng trưởng bền vững, các xu hướng và triển vọng của thị trường, các điều kiện, tập quán kinh doanh và cơ hội dành cho những bạn hàng có uy tín.

6/ Cho phép thu gọn tâm điểm vào lĩnh vực, phạm vi nhất định. Từ đó đặt ra thứ tự ưu tiên để đạt mục tiêu cụ thể, trước mắt và lâu dài.

7/ Tìm ra ý tưởng để phát triển sản phẩm mới, làm mới sản phẩm.

8/ Củng cố quan hệ làm ăn nghiêm túc với đối tác, chứng minh được năng lực, bản lĩnh từ sự am hiểu về thị trường.

9/ Tiếp cận “chủ động” trước những diễn biến mới nhất trên thị trường mục tiêu, từ đó đưa ra các quyết định thích ứng.

10/ Tiến tới sự cam kết mạnh mẽ.

                                                                                                                               Gia Viên

Trung tâm BSA