Xuất bản thông tin

null Bất ngờ từ “Mắt rồng”

Chi tiết bài viết Tin tức

Bất ngờ từ “Mắt rồng”

Nếu đặt con số kim ngạch xuất khẩu nhãn tươi 16,45 triệu USD vào bối cảnh 6 tháng đầu năm 2020, khi mà mọi hoạt động bị chìm trong đại dịch Covid-19, sẽ thấy tín hiệu tốt. Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu nhãn tươi bình quân 3.730 USD/ tấn, nhãn đông lạnh 3.600 USD/ tấn, nhãn khô 3.200 USD/ tấn.

Định vị “ mắt rồng”

Tháng 6/2020 là tháng thứ 3 liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam chỉ đạt 1,76 tỷ USD - giảm 4,6% so với tháng 5/2020 và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tháng 6/2020, nhãn các loại (bao gồm nhãn tươi, khô, đông lạnh, long nhãn) đã ghi điểm với kim ngạch xuất khẩu 1,17 triệu USD. Trong số đó, nhãn tươi khoảng 1,1 triệu USD, tăng 39% so với tháng 5/2020 và tăng 10,7% so với tháng 6/2019.

   Thị trường Trung Quốc giảm, trong khi xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường tiềm năng khác đang tăng trưởng khả quan; trong đó, thị trường ASEAN có tốc độ tăng trưởng lên tới 160,2% so với cùng kỳ năm 2019 (144,4 triệu USD). Cũng trong tháng 6, thị trường EU tăng 35,3% so với tháng 5/2020 và tăng 3,5% so với tháng 6/2019 (12,53 triệu USD). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường EU đạt kim ngạch 70,86 triệu USD.

Là loài cây nhiệt đới lâu năm, nhãn (Dimocarpus longan) thuộc họ Bồ Hòn Sapindaceae (danh pháp khoa học: Dimocarpus longan); người ở miền nam Trung Quốc còn gọi nhãn là quế viên. Không chỉ được trồng nhiều ở miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia mà nhãn còn được tuyển chọn, chiết ghép để tăng nhanh diện tích ở Thái Lan và Việt Nam.

Việt Nam nổi tiếng nhãn lồng Hưng Yên. Cây nhãn tổ hiện vẫn còn ở xã Hồng Nam. Ở Bà Rịa-Vũng Tàu có nhãn xuồng cơm vàng. Nhãn Da bò một thời là cây trồng có thu nhập cao ở Tiền Giang và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có hương vị rất giống nhãn lồng Hưng Yên nhưng có lẽ chỉ phù hợp vùng Cai Lậy (Tiền Giang). Nhãn tiêu quế cũng là loại ngon, thường được sấy làm nhãn nhục… Nhưng tất cả đều phải cạnh tranh quyết liệt với những loại nhãn nguồn gốc xa xưa, lâu đời từ nhiều nước.

           Nhãn thế hệ mới “ Phát Tài”

            Hiện nay, nhãn Phát Tài ở Đồng Tháp nổi lên như một nhân tố mới có tính vượt trội hơn cả giống Idor của Thái Lan. “Nhãn thế hệ mới là quà tặng của tạo hóa”, theo tác giả dòng nhãn mới “Phát Tài” - ông Phạm Hữu Hiện (ông Út Hiện ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp). Ông Út Hiện đã phát hiện và theo dõi cây đột biến trong vườn nhãn trồng giống Idor và xuồng cơm vàng, với sự trợ giúp của chuyên gia phân tích giống cây trồng thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam, món quà của tạo hóa đã được xác định cây đầu dòng.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\QUI 3-2020\13. Thong tin thi truong\9. Bất ngờ từ “Mắt rồng”\h1.JPG

Ông Hiện bên giống nhãn Phát Tài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ (nguồn: nongnghiep.vn)

            Năm 2019, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nhãn Phát Tài (Dimocarplus longan Lour), thời hạn bảo hộ 25 năm và 8 tấn trái đầu tiên đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tháng 6/2020, Công ty Chánh Thu (Bến Tre) tiếp tục xuất khẩu thành công 4 tấn nhãn Phát Tài sang thị trường này. Ông Út Hiện đã thuê 4 ha đất trồng giống nhãn Phát Tài, nâng tổng diện tích trồng nhãn Phát Tài lên 10 ha. Hiện nay, khoảng 1.670 gốc trên nền đất thuê đang cho trái, năng suất bình quân 50 kg/cây. 10 tấn trái đợt này sẽ được Công ty Vina T&T xuất sang Hoa Kỳ. Ưu thế của nhãn Phát Tài - loại 1 có đường kính 2,4 cm, độ ngọt (Brix) 20-23%, giá bán 70.000 đ/kg, cao hơn 40.000 đồng/kg so với nhiều loại nhãn ngon phổ biến trên thị  trường nội địa. Trái to, dày cơm, ráo hoãnh, vỏ dày có thể bảo quản, vận chuyển lâu đang mở ra hướng xuất khẩu đường biển thay vì vận chuyển hàng không. “Khi doanh nghiệp giảm chi phí logistics thì lượng xuất khẩu nhiều hơn”, ông Út Hiện hy vọng như vậy. Giống mới có bản quyền, nhiều ưu điểm: khả năng chống chịu sâu bệnh, ít rụng trái sinh lý, năng suất tương đương nhãn Idor nhưng giá bán tốt hơn, ít công chăm sóc, có khả năng xử lý ra luân phiên trên từng vùng trồng để duy trì nguồn cung suốt năm. Theo ông Út Hiện, từ lúc bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng 2,5 - 3 năm, áp dụng kỹ thuật cân đối dinh dưỡng, tỉa trái để nâng cao tỷ lệ loại I, có thể đạt 30 - 40 trái/kg. Hiện nay, giá cây giống 300.000 đồng/gốc. Tuy nhiên, để kiểm soát vùng trồng phục vụ xuất khẩu và bảo vệ tác quyền, ông Út Hiện ưu tiên cho những nông trại, trang trại xây dựng vùng trồng liên kết xuất khẩu, thuận lợi cho các doanh nghiệp minh bạch hóa kỹ thuật canh tác, dễ truy xuất nguồn gốc. Công ty Hoàn Thiện là đối tác hỗ trợ kỹ thuật canh tác đã lập cầu nối ông Út Hiện với chương trình phát triển nhãn Phát Tài ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, theo phương thức nhượng quyền khai thác giống sẽ trồng nhãn Phát Tài với quy mô 100 ha đầu tiên và sẽ mở rộng tới 300 ha ở An Giang. Nông trại Út Hiện lo kỹ thuật bảo tồn giống, cùng Công ty Hoàn Thiện thực hiện quy trình an toàn sinh học. Ông Út Hiện nói rằng khi vay mượn giống nhãn Idor, ông từng mong muốn có cái gì đó của xứ sở mình. Do đó khi Trường Đại học Cần Thơ phân tích nguồn gen cho thấy nhiều giá trị vượt trội trong giống mới, được sự giúp sức của Ths Nhiệm, cán bộ nông nghiệp nhiều kinh nghiệm, cùng gia đình ông tìm ra công thức dinh dưỡng, quy trình canh tác thích hợp… “Chưa bao giờ tôi thấy vui như bây giờ khi nói với  mọi người về giống nhãn thế hệ mới có gốc gác từ Châu Thành, Đồng Tháp”, ông Út Hiện nói. “Những cố gắng làm rõ nguồn gốc giống nhãn mới nhằm hỗ trợ các công ty xuất khẩu”, theo ông Út Hiện. Tuy nhiên, để đăng ký bảo hộ quốc tế giống cây trồng có bản quyền là việc khó đối với một nhà vườn. Và vì vậy cần sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan chức năng của Nhà nước.

            Thói quen đốn bỏ

            Trên thị trường, nhãn Idor và nhiều sản phẩm chế biến của Thái Lan được thế giới biết rõ nguồn gốc. Trung Quốc cũng là một trong những nơi có nguồn gốc lâu đời của nhãn. Long nhãn nhục cũng được dùng trong chế biến một số món chè, sâm bổ lượng … Hột nhãn khô hay long nhãn nhục (Arillus Longanae) dẻo, có màu nâu hoặc nâu đen, là một vị thuốc thường được dùng trong Đông y chữa các chứng bệnh hay quên, thần kinh kém, suy nhược hay lo lắng, khó ngủ. Người Hoa gọi “cùi” nhãn khô là viên nhục. Hột nhãn được dùng để chữa các chứng chốc lở, gội đầu, đứt tay, chân gọi là “mắt rồng”. Việt Nam cũng có những nhóm nghiên cứu giá trị khác biệt từ nhãn. Một nhóm nghiên cứu thuộc khoa công nghệ sinh học, Trường Đại học Mở TP. HCM đã trích ly vỏ cây nhãn thông qua dung môi ethanol, thu được chất cao khô màu nâu đỏ, bào chế thành công chế phẩm trị phỏng đạt các chỉ tiêu dược điển Việt Nam 3. Chế phẩm trị phỏng dạng pommade (6%) và dầu thoa (1,5%) có tính kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng cao hơn dầu mù u. Liệu điều này có thể ngăn chặn đà đốn hạ hàng loạt nhãn giống cũ để thay giống mới? Chặt rồi trồng nhỏ lẻ lại là chuyện quá khó khi yêu cầu của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ là tập trung theo mã vùng trồng!

Gia Viên_Trung tâm BSA