Xuất bản thông tin

null Thị trường cá tra trong 2 quý đầu của năm 2020 và thách thức – cơ hội – dự báo đến cuối năm 2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Thị trường cá tra trong 2 quý đầu của năm 2020 và thách thức – cơ hội – dự báo đến cuối năm 2020

Tính đến hết tháng 6/2020 giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 667,5 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ba thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc – Hồng Kông (chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu), Mỹ (16%) và EU (11%). Ngoại trừ Anh và Singapore, xuất khẩu sang các thị trường lớn khác đều sụt giảm, đi đôi với giá cả cá tra nguyên liệu sụt giảm. Cụ thể, giá cả trong quý 1/2020: 19.000 – 21.000 đồng/kg, sang quý 2/2020 sụt xuống còn 18.000 – 19.000 đồng/kg đối với loại cá 700-800 g/con, trong khi giá thành sản xuất biến động từ 21.000 – 22.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cả cá tra nguyên liệu giảm là do giá cả xuất khẩu cá tra phi lê giảm. Cụ thể, giá cả xuất khẩu trong tháng 1/2020 là 2,25 – 2,35 USD/kg, đến tháng 2 và 3 năm 2020 giảm xuống dưới mức 2,2 USD/kg và kéo dài mức này đến cuối tháng 6/2020. Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đã và đang nhập khẩu cá tra phi lê của Việt Nam. Điều này dẫn đến sự sụt giảm giá cả cá tra phi lê của ta. Trong khâu sản xuất cá tra nguyên liệu cũng không nằm ngoài bối cảnh sụt giảm cả về diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình trạng xâm nhập mặn kéo dài. Nhìn chung, nửa tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian khá bi quan cho ngành hàng cá tra của Việt Nam.

            Những khó khăn vừa nêu chưa phải là tất cả, ngành hàng cá tra còn phải đối mặt với 2 thách thức sau: (i) Dịch bệnh Covid-19 không chỉ làm giảm nhu cầu tiêu dùng mà còn làm thay đổi xu hướng tiêu dùng sản phẩm theo hướng tiêu dùng sản phẩm với giá rẻ hơn; và (ii) Ngành hàng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng phải đối mặt với những thách thức mới như: sẽ có một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đóng cửa, bị phá sản hoặc bán lại cho nhà đầu tư khác, nợ xấu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gia tăng sẽ làm ảnh hưởng đến những ngành có liên quan như bảo hiểm, ngân hàng, sản xuất, thuốc, hóa chất, bao bì, vật tư…, chi phí sản xuất gia tăng có thể dẫn đến tình trạng treo ao và do vậy làm cho giá cả cá tra nguyên liệu gia tăng, lao động trong ngành chế biến thiếu hụt.

            Tuy nhiên, ngành thủy sản của Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng cũng có những cơ hội nhất định như: (i) Sẽ có sự dịch chuyển của nhiều công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia liên quan đến ngành từ Trung Quốc sang Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành trong sản xuất, chế biến và thuế xuất nhập khẩu sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh thương mại “Mỹ-Trung”. Điều này cũng làm cho nhu cầu nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng gia tăng, cũng như các sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, sự dịch chuyển này cũng sẽ thúc đẩy cho những ngành phụ trợ (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì, trang thiết bị, dụng cụ cho ngành nuôi trồng thủy sản và chế biến) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam chủ động hơn trong sản xuất; (ii) Sau đại dịch Covid-19, có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đóng hộp và đông lạnh sang các thị trường đã từng nhập khẩu những hàng hóa này từ Trung Quốc, do nhiều nhà nhập khẩu đang tạm ngừng đơn hàng từ Trung Quốc; (iii) Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do EVFTA bắt đầu có hiệu lực, lúc đó cá tra đông lạnh sẽ được giảm thuế đến mức 0% theo lộ trình 3 năm (hiện tại là 5,5%). Trong khi những đối thủ cạnh tranh như Indonesia và Trung Quốc vẫn phải chịu mức thuế 5,5% và 9% tương ứng.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\QUI 3-2020\13. Thong tin thi truong\6. Thị trường cá tra trong 2 quý đầu của năm 2020 và thách thức – cơ hội – dự báo đến cuối năm 2020\H1.JPG

(Chế biến cá tra. Ảnh từ nguồn: congthuong.vn)

            Từ những thách thức và cơ hội như vừa đề cập ở trên, có thể dự báo rằng, trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước đợt 2 như hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng trong nửa cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, do sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm. Sau ngày 1/8/2020 đến cuối năm 2020, doanh nghiệp chế biến nào có được nguồn nguyên liệu tốt sẽ tận dụng được ưu đãi thuế quan từ EVFTA để tăng thị phần xuất khẩu sang 27 nước thành viên thuộc cộng đồng chung châu Âu. Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu về các sản phẩm thủy sản nói chung, trong đó có sản phẩm cá tra sẽ tăng cao hơn trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do dịch bệnh Covid-19. Cuối cùng, các chuyên gia của VASEP dự báo trong 6 tháng cuối năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt mức 836 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và đến cuối năm 2020, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,5 tỷ USD (giảm 25% so với năm 2019) trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 là 8,22 tỷ USD./.

PGS, TS. Nguyễn Phú Son_Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ