Xuất bản thông tin

null Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến trở thành giải pháp đầy tiềm năng để thúc đẩy ngành hàng cá tra của ĐBSCL vượt qua thách thức của thị trường tiêu thụ

Chi tiết bài viết Tin tức

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến trở thành giải pháp đầy tiềm năng để thúc đẩy ngành hàng cá tra của ĐBSCL vượt qua thách thức của thị trường tiêu thụ

Theo số liệu của VASEP, tính đến ngày 15/6/2020 giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang 10 nước đứng đầu đều giảm đáng kể, gần 30%, đạt 213,6 triệu USD, ngoại trừ có 2 thị trường Singapore và Anh là 2 thị trường vẫn còn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước sau đại dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Singapore tính đến nửa đầu tháng 6 đạt 18,5 triệu USD (tăng 5,7%) và ở thị trường Anh đạt 28,6 triệu USD (tăng 7,1%). Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, mặc dù chưa có những dấu hiệu sáng sủa đối với thị trường tiêu thụ cá tra, nhưng họ vẫn lạc quan sẽ có những dấu hiệu tốt hơn trong quý 3/2020 do không những từ sự phục hồi giao thương chung của thế giới, mà quan trọng hơn là việc ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất và chế biến từ các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, điển hình là Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) ở An Giang.

Nam Việt đã làm gì để nâng cấp chuỗi giá trị cá tra, có 3 giải pháp mà theo tôi rất có ý nghĩa cho việc cắt giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị cho sản phẩm cá tra từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến. Trước hết trong khâu cung cấp con giống. Ý thức được tầm quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng con giống để tiết kiệm chi phí sản xuất, ngay cả lúc chưa xảy ra đại dịch Covid-19 và ngay cả lúc thị trường tiêu thụ tốt, Nam Việt đã đầu tư khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, với diện tích là 150 ha, mỗi năm cung cấp khoảng 360 triệu con giống để cung cấp cho vùng nuôi của công ty và thị trường bên ngoài. Bên cạnh đó, Nam Việt cũng đã đầu tư khu nuôi cá thương phẩm với diện tích 450 ha, mỗi năm sản xuất được 200 nghìn tấn cá nguyên liệu phục vụ cho khâu chế biến xuất khẩu của công ty. Vùng nuôi của doanh nghiệp được đầu tư những trang thiết bị theo hướng hiện đại; với công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước trong ao nuôi thay vì thải nước ao nuôi ra môi trường sông rạch bên ngoài và nạo hút bùn đáy ao theo phương pháp cơ học như trước nay từng áp dụng. Trong khâu chế biến, Nam Việt cũng đã đầu tư công nghệ vào những công đoạn chế biến sâu để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng như dầu ăn, collagen, gelatin…Ngoài 3 giải pháp trên, Nam Việt còn tận dụng phế phẩm phân cá để chế tạo phân bón hữu cơ. Ngoài những giải pháp mang tính kỹ thuật như vừa nêu, Nam Việt cũng đã rất thành công trong khâu quản lý chuỗi cung ứng. Cụ thể, Công ty đã xây dựng thành công mô hình vùng nuôi liên kết và các hộ vệ tinh cung cấp cá giống.

Xác định được một trong những ngành hàng chủ lực của địa phương là ngành hàng cá tra, tỉnh An Giang trong thời gian qua đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Cụ thể, đến thời điểm nàytỉnh đã mời gọi được 4 doanh nghiệp đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao như: Tập đoàn Việt – Australia, với 104 ha; Công ty cổ phần Nam Việt, 150 ha; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, 48,3 ha; và Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, khoản 350 ha. Điều này đã và sẽ góp phần nâng cao chất lượng con giống cá tra và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng các hình thức liên kết trong khâu cung cấp đầu vào con giống và sản xuất cá tra thương phẩm theo hướng chất lượng cao và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Từ bức tranh về chiến lược kinh doanh của Công ty Nam Việt, chúng ta có thể kết luận rằng, đối với ngành hàng cá tra trong bối cảnh thị trường như hiện nay và cho cả trong tương lai, mô hình kinh doanh theo hướng Khép kín – Tuần hoàn – Liên kết dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao trở thành cứu cánh đầy tiềm năng để phát triển ngành hàng cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đầy thách thức về giá cả đầu ra và dịch bệnh mang tính toàn cầu./.   

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nguyễn Phú Son

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ