Xuất bản thông tin

null Thị trường cá tra đang có những dấu hiệu phục hồi

Chi tiết bài viết Tin tức

Thị trường cá tra đang có những dấu hiệu phục hồi

Tính đến hết tháng 9/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường khoảng 1,042 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc và Hồng Kông chiếm tỷ trọng cao nhất (33,4%), kế đó là Mỹ (16,63%), ASEAN (9,86%) và EU (9,44%). Như vậy, Trung Quốc và Hồng Kông đến thời điểm này vẫn được xem là thị trường mục tiêu đối với sản phẩm xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Nếu như giá cá tra phile xuất khẩu trong quý 2/2020 ở mức bình quân 2,2 USD/kg, thì đến quý 3 tăng lên mức 2,35-2,5 USD/kg, và đến cuối tháng 10/2020 giá cá tra phile tăng lên mức 2,65-2,7 USD/kg. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cũng tính đến hết tháng 9/2020, so với cùng kỳ năm trước, diện tích thả nuôi cá tra giảm 9% (đạt 4.968 ha), tổng sản lượng thu hoạch giảm 6,4% (đạt trên 1 triệu tấn). Vùng nuôi tập trung ở 5 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có diện tích nuôi lớn nhất cả nước, với diện tích nuôi đạt 1.840 ha và sản lượng cá tra đạt trên 300 nghìn tấn trong 9 tháng đầu năm 2020. Từ những thông tin trên cho thấy ngành hàng cá tra đang trong bối cảnh sản xuất giảm nhẹ và tiêu thụ tăng chậm, do vậy bình diện chung có thể nói bài toán khủng hoảng thừa vẫn có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới nếu như chúng ta không hoặc chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu.

Sau cuộc khủng hoảng thừa kéo dài gần 2 năm qua đã dẫn đến những thiệt hại đáng kể đến người nuôi và phát triển kinh tế của các địa phương có nuôi cá tra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Trong khoảng thời gian khủng hoảng thừa này đã làm cho người nuôi phải gánh chịu mức lỗ bình quân từ 3.500 – 4.000 đồng/kg do giá bán sụt giảm sâu, nếu tính sản lượng nuôi bình quân hàng năm của vùng ĐBSCL khoảng 1,2 triệu tấn cá nguyên liệu/năm (trong đó, Đồng Tháp chiếm gần 50% tổng sản lượng) thì con số thiệt hại này thực sự đáng phải quan tâm đứng về mặt phát triển kinh tế, xã hội của vùng nói chung và của Đồng Tháp nói riêng do hệ lụy phía sau thiệt hại này đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng gia tăng, cũng như số lượng người mất việc làm trong ngành hàng gia tăng.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu của tháng 10/2020, giá cả cá tra nguyên liệu có xu hướng nhích lên tại một số địa phương có nuôi cá tra, từ 18.500 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, vào tuần cuối tháng 10/2020, giá cá tra nguyên liệu loại 0,7-0,8 kg/con tăng lên mức 21.800 – 22.500 đồng/kg; cá loại 0,5-0,6 kg/con tăng lên mức 22.000 – 24.000 đồng/kg. Theo đánh giá của VASEP, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là nhờ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã đẩy mạnh xuất khẩu qua 4 thị trường chính (Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, ASEAN và EU), một mặt do một số doanh nghiệp đã mở rộng kênh nội địa đến thị trường các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ sản phẩm cá tra nguyên con, cắt khúc, fillet và nhiều sản phẩm cá tra giá trị gia tăng khác. Theo tôi, dấu hiệu tích cực này từ việc mở rộng kênh phân phối nội địa và thúc đẩy xúc tiến thương mại kênh xuất khẩu vẫn chưa phải là lời giải tối ưu cho bài toán bền vững đối với ngành hàng này trong bối cảnh diện tích và sản lượng nuôi giảm nhẹ và thị trường tiêu thụ tăng trưởng chậm, thay vào đó cần có những giải pháp căn cơ hơn do: sản phẩm cá tra không phải là loại thực phẩm được nhiều lắm người dân trong nước ưa chuộng, chưa kể sản phẩm này phải đối mặt với nhiều sản phẩm thay thế khác hiện có trong nước. Thêm vào đó, việc tiêu dùng sản phẩm chế biến (sản phẩm giá trị gia tăng từ các sản phẩm cá nói chung) chưa có thói quen tiêu dùng ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại trên kênh xuất khẩu, đây là câu chuyện đã được các doanh nghiệp chế biến và thương mại cá tra trong nước đã và đang thực hiện trong nhiều năm nay, chứ không phải hoạt động mới mẽ. Do vậy, để giải quyết bài toán khủng hoảng thừa, bên cạnh công việc thường xuyên của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản là dự báo và nghiên cứu nhu cầu thị trường xuất khẩu và nội địa, vấn đề tái cấu trúc ngành hàng cá tra trở thành giải pháp quan trọng và cấp thiết.

Nếu tiếp cận theo quan điểm tái cấu trúc ngành hàng, trước hết cần thống nhất với nhau về bản chất của ngành hàng này là ngành hàng mà tại đó các tác nhân tham gia phải là những người có năng lực vốn, kinh nghiệm và năng lực kinh doanh tốt một cách thực sự. Nói cách khác như nhiều chuyên gia đã đánh giá “Đây là ngành hàng dành cho những người giàu”. Như vậy, tái cấu trúc ngành hàng này theo hướng nào? Theo tôi, nên đưa ngành hàng cá tra vào loại hình kinh doanh có điều kiện, tại đó tác nhân là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải xây dựng được vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, tất nhiên vùng nguyên liệu này phải có qui mô đủ lớn và tập trung để có thể có được lợi ích về kinh tế qui mô và để dễ dàng áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo các tiêu chuẩn chất lượng của khách hàng, cũng như để dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, các hộ nuôi đa dạng hóa các đối tượng nuôi (cá chình, cá Trạch lấu, cá rô phi v.v…) để giảm lượng cung cá tra nguyên liệu trên thị trường, và do vậy vừa giảm được rủi ro khi giá cả cá tra giảm, vừa cải thiện được nguồn thu nhập của nông hộ. Đi đôi với giải pháp tái cấu trúc ngành, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp để cung cấp cho thị trường có được những con giống khỏe, sạch bệnh nhằm nâng cao tỷ lệ sống cá nuôi và do vậy nâng cao được hiệu quả tài chính cho các hộ nuôi.

Tóm lại, để phát triển ngành hàng cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung, cần phải tái cấu trúc lại ngành hàng này theo hướng mở rộng kênh phân phối đi cùng với việc tạo nhiều hơn sản phẩm giá trị gia tăng; đặt ngành hàng này vào loại hình kinh doanh có điều kiện về vùng nuôi lớn và tập trung của doanh nghiệp đi cùng với việc tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa các hộ nuôi/tổ chức kinh tế hợp tác với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; và đa dạng hóa đối tượng nuôi của các hộ/tổ chức kinh tế hợp tác, đồng thời với việc hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp để giảm thiểu rủi ro cho người nuôi./.       

 PGS.TS. Nguyễn Phú Son_Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ