Xuất bản thông tin

null Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản xuất nông nghiệp hiện nay

Chi tiết bài viết Tin tức

Tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản xuất nông nghiệp hiện nay

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó có “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”. Nhằm phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang dần trở nên quan trọng và cần thiết cho nền sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nói riêng và nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung. Ngoài ra, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Thời gian vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc (Kipus) vào sản xuất nông nghiệp, với thành phần tham dự là nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Với trình độ tiến bộ khoa học - kỹ thuật của Việt Nam hiện tại việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực cho nông dân và doanh nghiệp.

Hình 1 Học viên chụp ảnh tại điểm tập huấn

Ứng dụng này cho phép người dùng cung cấp thông tin về loại cây trồng, sản phẩm, quy trình sản xuất. Ngoài ra, ứng dụng này còn thông báo cho người sử dụng loại phân/thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng.

Các thao tác thực hành trên ứng dụng Kipus gồm các bước sau:

Bước 1: Cài đặt phần mềm, nhập các thông tin cơ bản, định vị, vẽ phân lô khu vực sản xuất.

Bước 2: Nhập thông tin mua vật tư sản xuất, thông tin khách hàng, thông tin đơn vị cung cấp vật tư sản xuất.

Bước 3: Thiết lập chu kỳ cây trồng.

Bước 4: Điền thông tin vào chu kỳ cây trồng (nhật ký sản xuất).

Bước 5: Nạp thông tin vào tem, mã QR trống.

Bước 6: Cấp mã và thực hành quét mã.

Hình 2 Mã QR truy xuất nguồn gốc

Lợi ích mà ứng dụng này mang lại cho người nông dân, nhà quản lý doanh nghiệp là quản lý được nguồn nguyên liệu đầu vào (giống, vật tư), quản lý được quy trình canh tác, lưu trữ hồ sơ sản xuất với độ bảo mật cao, tránh được nạn hàng giả hàng nhái.

Tuy nhiên, vì chưa là phần mềm được đăng tải trên các cửa hàng ứng dụng (CH Play, App Store) nên muốn sử dụng phần mềm thì phải truy cập bằng đường link gây khó khăn cho việc tải và sử  dụng phần mềm, giao diện và từ ngữ còn khó hiểu gây khó khăn cho việc nhập dữ liệu của nông dân, tốn nhiều dung lượng và thời gian đăng nhập còn chậm.

Người tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm đến sức khỏe của gia đình và bản thân, nên các thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm luôn được quan tâm. Khi áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp người tiêu dùng sẽ tin tưởng chất lượng sản phẩm, làm gia tăng giá trị nông sản.

Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp là bước đi đúng đắn và kịp thời.

TT.BVTV