Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp, những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp năm 2021

Thông tin thị trường Tin tức

Đồng Tháp, những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp năm 2021

Năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tỉnh, nhưng với sự đoàn kết chung tay của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng khắc phục dịch bệnh, khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu khả quan.

Description: E:\Cong thong tin dien tu So\Dang tin bai\NAM 2022\QUI 1-2022\BAN TIN THI TRUONG\Ky6-T12-Bantinthitruong\8.Ky6-T12-Diem sang nong nghiep nam 2021-Minh Tri\HINH.JPG

Mô hình Lúa – Cá tại Đồng Tháp (ảnh Internet)

Giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất các ngành hàng chủ lực; chuyển đổi cơ cấu cây trồng áp dụng các quy trình tiết kiệm chi phí và thực hành nông nghiệp tốt, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, áp dụng các hình thức tưới tiêu tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thuỷ sản cả năm 2021, ước đạt 45.610 tỷ đồng, tăng 1.501 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương ứng giá trị tăng thêm đạt 19.845 tỷ đồng, tăng 3,32% so năm 2020. Trong đó: Ngành hàng lúa gạo đã duy trì giá trị sản xuất đạt 15.811 tỷ đồng với diện tích gieo trồng cả năm là 504.295 ha. Nhờ áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, chuyển đổi sử dụng giống lúa chất lượng cao đã tăng lợi nhuận bình quân so với cùng kỳ: vụ Đông Xuân 2020-2021, tăng thêm 8,4 – 9,4 triệu đồng/ha; vụ Hè thu, nhóm giống lúa chất lượng cao tăng 2,35 triệu đồng/ha. Trên cây ăn trái, giá trị sản xuất đạt 4.375 tỷ đồng với diện tích canh tác 39.974 ha, lợi nhuận dao động từ 30 – 350 triệu đồng/ha tùy theo loại cây trồng. Chăn nuôi và thủy sản đã có bước phục hồi tăng trưởng vào các tháng cuối năm. Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi và thủy sản cả năm đạt 14.130 tỷ đồng, trong đó diện tích nuôi thủy sản ước cả năm 2021 đạt 5.397 ha với sản lượng thuỷ sản đạt 576.144 tấn kim ngạch thủy sản đạt trên 689,4 triệu USD với sản lượng 284.455 tấn.

Chung tay hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

Tỉnh đã chủ động triển khai, quán triệt các công tác chỉ đạo, quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các ngành, các cấp; chủ động xây dựng kịch bản, phương án sản xuất kinh doanh, tiêu thụ và cung ứng nông sản trong từng điều kiện cụ thể, đảm bảo lương thực, thực phẩm và rau xanh cung ứng phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; chủ động phối hợp rà soát tình hình nông sản tồn đọng, ngành nông nghiệp cùng với ngành công thương và các tổ chức chính trị xã hội giới thiệu, kết nối với các nhà phân phối như: kết nối tiêu thụ với Bách Hóa Xanh, Big C, Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, Viettel Post, Postmart, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; kết nối Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) cho 83 cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ được 27.691 tấn trái cây, rau, củ, quả và 21.283 tấn thủy sản cho bà con nông dân. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện lập và thẩm định tổng số 89 phương án thu hoạch thủy sản với sản lượng thu hoạch ước trên 128.503 tấn.

Mô hình sản xuất nông nghiệp “thuận thiên" thích ứng với biến đổi khí hậu được ứng dụng nhân rộng

Tỉnh đang chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường. Triển khai nhân rộng các biện pháp canh tác bền vững giảm phân bón, thuốc hóa học và phát thải khí nhà kín như 1P5G, 1P6G, SPR, IPM, ICM...và sản xuất theo hướng hữu cơ. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như sử dụng rơm rạ sản xuất nấm sạch và giá thể cho cây trồng; dùng trấu làm củi trầu và than không khói; sử dụng bùn thải của các nhà máy chế biến, ao nuôi thủy sản làm phân bón sinh học. Thực hiện có hiệu quả các mô hình đa canh khác như lúa - tôm, lúa – cá, lúa – cá – vịt, mô hình lúa – sen, mô hình sinh thái Đồng sen gắn với du lịch... Kết quả, bình quân tổng lợi nhuận của các mô hình đạt 47,8 – 64,7 triệu đồng/ha/năm. Trong đó sản xuất lúa cho lợi nhuận 38,3 triệu đồng/ha, cá cho lợi nhuận 9,5 triệu đồng/ha. So với ngoài mô hình, tổng lợi nhuận tăng 14,7 triệu đồng/ha/năm. Những mô hình này vừa “thuận thiên”, vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn, theo hướng hữu cơ thân thiện môi trường, giúp phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng của đất, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí cho nông dân, tạo ra nông sản sạch, và nông sản có giá trị cao hơn khi khai thác các khía cạnh câu chuyện văn hóa, lịch sử tạo ra các sản phẩm OCOPphát triển du lịch nông nghiệp.

 Xây dựng Nông thôn mới, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt.

Tính đến ngày 20/11/2021, toàn Tỉnh đã duy trì và nâng cao chất lượng cho 97/115 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 84,34%). Đến cuối năm có 05/06 xã đã gửi hồ sơ xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với xã nông thôn mới nâng cao, có 06 đăng ký thực hiện năm 2021 gửi hồ sơ xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới: có 03 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM (thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự), 01 huyện (Tháp Mười) đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Cao Lãnh đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, huyện Châu Thành và huyện Lấp Vò tự đánh giá đạt 08/9 tiêu chí, các huyện đã gửi các đơn vị cấp tỉnh góp ý hoàn chỉnh hồ sơ minh chứng tiêu chí huyện NTM.

Khởi nghiệp trong nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP có nhiều sức sống mới.

Năm 2021, dịch bệnh Covid – 19 ảnh hướng không nhỏ đến cộng đồng doanh nghiệp và các dự án khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã không chùn bước trước những khó khăn mà chủ động thích ứng biến khó khăn thành thời cơ phát triển, nhiều ý tưởng dự án khới nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Điển hình như: dự án khởi nghiệp ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, dự án phát triển dòng sản phẩm nước giải khát từ sen, dự án các sản phẩm khô từ gạo, dự án các sản phẩm tiện dụng từ sen, túi lá sen, giỏ quà lá sen, tinh dầu, hương liệu …Các dự án khởi nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng phụ phẩm tái tạo và phát triển sinh kế bền vững khá phong phú và đa dạng. Đặc biệt, trong năm có 123 sản phẩm của 57 chủ thể tham gia dự thi đánh giá xếp hạng của Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm”. Kết quả có 104 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao của 48 chủ thể, có 26 chủ thể mới tham gia, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Tỉnh đạt 265 sản phẩm từ 3 - 4 sao, trong đó, có hơn 100 sản phẩm khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.

Bước sang năm 2022, một năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh./.

Đỗ Minh Tri_Sở NN&PTNT