Xuất bản thông tin

null Phát triển mô hình nông nghiệp cộng đồng (csa) sau đại dịch covid-19

Thông tin thị trường Tin tức

Phát triển mô hình nông nghiệp cộng đồng (csa) sau đại dịch covid-19

Có lẽ chúng ta không cần phải bàn luận gì thêm về hệ lụy đối với đời sống kinh tế và xã hội của người dân trong cả nước nói chung và của tỉnh Đồng Tháp nói riêng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu đứng dưới góc nhìn tích cực để thấy được những cơ hội bên cạnh những hậu quả đã mang đến từ đại dịch Covid-19 để có thể nghĩ đến và phát triển những mô hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm vừa góp phần khắc phục những hậu quả nặng nề, vừa tạo thêm việc làm cũng như đáp ứng được hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19.

Mô hình mà tôi muốn đề cập ở đây là mô hình Nông nghiệp Cộng đồng (Community Supported Agriculture). Thực chất, đây là mô hình liên kết giữa người sản xuất ở vùng nông thôn/ngoại thành với người tiêu dùng ở thành thị trên qui mô sản xuất nhỏ (1.000 – 5.000 m2) đối với những loại thực phẩm rau màu được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Tại đó, cho phép người tiêu dùng đăng ký trước với người sản xuất (thường là một nhóm/tổ hợp tác/nông trại/hợp tác xã) về lượng, chủng loại và chất lượng sản phẩm sẽ được tiêu dùng trong vụ/năm vào thời điểm đầu vụ/đầu năm. Người tiêu dùng sẽ nhận được sản phẩm đã đăng ký hàng tuần/hàng tháng/hàng năm theo đặt hàng ban đầu, đặc biệt người tiêu dùng có thể tự thu hoạch trong quá trình mua hàng, tiền công thu hoạch sẽ được khấu trừ lại trong giá trị hàng hóa mà người tiêu dùng phải thanh toán. Có một số nơi, các thành viên tham gia mô hình bên phía người tiêu dùng sẽ ứng trước cho người sản xuất một khoản tiền nào đó, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên để mua vật tư sản xuất. Đồng thời, người sản xuất sẽ thường xuyên/định kỳ thông tin với người tiêu dùng về tình hình sản xuất của họ để tiện cho người tiêu dùng đưa ra những quyết định mua hàng phù hợp với nhu cầu. Đối với người sản xuất, lượng sản phẩm sau khi cung cấp cho các thành viên còn lại sẽ được bán cho các thành viên ngoài mô hình.

Mô hình này đã được áp dụng khá phổ biến ở Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, và cũng đã được áp dụng tại một số địa phương ở Việt Nam như: thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương ở Lâm Đồng, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, mặc dù qui mô và hiệu quả hoạt động của các mô hình trong nước còn khá khiêm tốn, chưa được nhân rộng. Mục tiêu chính của mô hình này là cho phép người sản xuất và người tiêu dùng chia sẻ rủi ro với nhau trong quá trình sản xuất nông nghiệp, mua bán với nhau với giá cả hợp lý dựa trên cơ sở cân bằng quyền lực thị trường giữa hai bên, đồng thời tạo được sản phẩm có chất lượng cao, an toàn/sạch đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.

Theo tổng kết của các mô hình trong và ngoài nước cho thấy mô hình này ngoài việc giúp cho người sản xuất có được kế hoạch sản xuất ổn định do có được một phần lớn đầu ra ổn định, xa hơn nữa họ sẽ có cơ hội để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào khâu sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (sử dụng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch/an toàn, hữu cơ, v.v…). Bên cạnh đó, cộng đồng nói chung và người tiêu dùng là thành viên nói riêng cũng nhận được nhiều lợi ích từ việc tham gia mô hình như: sự lựa chọn của người tiêu dùng được gia tăng; giảm được tình trạng suy thoái/ô nhiễm môi trường cho cộng đồng; tạo được thêm sự thú vị trong tiêu dùng khi cùng tham gia sản xuất ở một khâu/công đoạn nào đó trong quá trình sản xuất, nói cách khác người tiêu dùng được trải nghiệm trên sản phẩm tiêu dùng. Thêm vào đó và quan trọng hơn nữa là người tiêu dùng biết được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mà họ tiêu dùng, và do vậy tạo được niềm tin trong tiêu dùng.

  Trở lại câu chuyện từ đại dịch Covid-19 gắn với việc phát triển mô hình CSA ở Đồng Tháp. Xuất phát từ thực tế hành vi tiêu dùng của người dân thành phố sẽ thay đổi theo hướng tiêu dùng sạch hơn và chủ động hơn sau đại dịch Covid-19 nhằm tối thiểu hóa tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, thậm chí xu hướng tiêu dùng vẫn sẽ xảy ra ngay cả tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Nói cách khác, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo được tính an toàn, cộng với việc nhận được những lợi ích vô hình từ tiêu dùng sản phẩm – thú vị trong tiêu dùng thông qua việc trải nghiệm sản xuất. Trong điều kiện dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn sau đại dịch, lúc đó người tiêu dùng vẫn có được nguồn thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng. Như vậy, có thể kết luận rằng nhu cầu thị trường cho việc phát triển mô hình CSA là có tiềm năng cao, vấn đề còn lại là nghiên cứu, dò tìm và sau đó nhân rộng những mô hình mang tính hiệu quả. Chính vì vậy, tôi có khuyến nghị với địa phương Đồng Tháp, cụ thể là Sở Khoa học và Công nghệ cho tiến hành thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển mô hình CSA trên địa bàn tỉnh, trước mắt tại thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc trên một số sản phẩm thực phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Đối tượng người tiêu dùng trước mắt là những công nhân, viên chức đang sinh sống làm việc trên địa bàn 02 thành phố này./.  

Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Nguyễn Phú Son