Xuất bản thông tin

null Tình hình xuất, nhập khẩu rau quả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021

Thông tin thị trường Tin tức

Tình hình xuất, nhập khẩu rau quả tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tháng 6/2021 đạt 320,51 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 25% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 2,026 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

  1. Tình hình xuất, nhập khẩu

Sau khi ghi nhận xuất khẩu ở mức cao trong tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam giảm liên tiếp trong 2 tháng gần đây do diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên tình hình tiêu thụ và hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của nước ta. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tháng 6/2021 đạt 320,51 triệu USD, giảm 5,2% so với tháng 5/2021, nhưng tăng 25% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 2,026 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả giai đoạn 2019 - 2021

(ĐVT: triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tháng 6/2021 so với tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Nga, Australia giảm, trong khi xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng, như: Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,21 tỷ USD (chiếm 59,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành), tăng 16,3% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020. Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 111,17 triệu USD (chiếm 5,48%), tăng 44,4% so với cùng kỳ 2020; thị trường ASEAN đạt 131,77 triệu USD (chiếm 6,5%), giảm 9,3% so với cùng kỳ 2020. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như như thanh long (tăng 6,8% so với cùng kỳ 2020), xoài (tăng 31,5%), chuối (tăng 60,9%), mít (tăng 31%), ớt (tăng 4,7%), khoai lang (giảm 35,8%), nhãn (giảm 53,8%),…

Kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả về Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 117,66 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng 5/2021 và giảm 8% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả về Việt Nam đạt 691,48 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021

 (ĐVT: triệu USD)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 196,97 triệu USD (chiếm thị phần 28,49%), tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2020; Mỹ đạt 155,36 triệu USD (chiếm 22,47%), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020; Úc đạt 54,4 triệu USD (chiếm 7,8%), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng như táo (tăng 50,2% so với cùng kỳ năm 2020), nho (tăng 23,9%), dâu tây (tăng 32%); ngược lại một số mặt hàng nhập khẩu giảm như hạt dẻ, hạnh nhân, bòn bon,…

2.Nhận định và dự báo tình hình xuất, nhập khẩu trong thời gian tới

Tháng 6/2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Mặc dù vậy, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 6/2021, xuất siêu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 1,335 tỷ USD, cao hơn so với mức 1,151 tỷ USD cùng kỳ năm 2020 (tương đương mức tăng 183,87 triệu USD). Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 sẽ vẫn tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Trong nước, việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng rau quả. Bên cạnh đó, nhiều thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, tình trạng lũ lụt ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và tiêu thụ mặt hàng. Song song với đó, tình trạng thiếu container rỗng khiến cước phí vận chuyển tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng rau quả của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan. Từ thành công của việc đẩy mạnh tiêu thụ trái vải cho thấy, mô hình sản xuất, tiêu thụ trái vải cần được nhân rộng ra toàn ngành. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ ban ngành, địa phương đã mang lại kết quả khả quan, hứa hẹn những thuận lợi trong thời gian tới. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phối hợp tổ chức chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình “Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Chung tay vượt đại dịch”; Tổ chức các Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông đặc sản vùng miền như: mận Tam hoa và nông sản an toàn tỉnh Lào, na Chi lăng của Lạng Sơn, nhãn Đồng Tháp với các tỉnh phía Bắc… nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước. Sở Công Thương nhiều tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ, kết nối với các nhà phân phối trong và ngoài nước qua nhiều hình thức để tiêu thụ nông sản của địa phương.

Cao Lượng_Phòng QLTM, Sở Công Thương

Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại