Xuất bản thông tin

null Tìm giải pháp an toàn cho trái cây

Thông tin thị trường Tin tức

Tìm giải pháp an toàn cho trái cây

“Chúng ta có một bản đồ hệ thống thông tin, giải quyết được về lịch thời vụ, chủ động được thông tin sản xuất, sản lượng, đầu cung,... chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản kể cả khi có dịch Covid-19 hay không có dịch”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói. Quan trọng không chỉ là nơi ta đến mà là thấy gì trên đoạn đường đã trải qua.

Chuẩn hóa vùng trồng cấp huyện

Theo nguồn tin Hải Quan, 15 ngày đầu tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu xoài các loại (dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, ướp đường, nước ép) của Việt Nam khoảng 8 triệu USD. Con số này giảm 76,5% so với 15 ngày đầu tháng 5/2021, nhưng tăng 67,7% so với 15 ngày đầu tháng 6/2020. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/6/2021, kim ngạch xuất khẩu xoài các loại đạt 222,51 triệu USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các chủng loại xoài đều tăng. Trong đó có nguồn cung xoài sấy từ Thanh Bình, Cao Lãnh thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Giá xuất khẩu bình quân xoài các loại trong 15 ngày đầu tháng 6/2021 đạt 864,3 USD/tấn, tăng 95,2% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. So sánh từ đầu năm đến giữa tháng 6/2021, cho thấy giá xuất khẩu bình quân xoài sấy gia tăng trong khi các loại xoài khác giảm. Ông Võ Phát Triển, CEO Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt Đức, với công nghệ - thiết bị của hãng Maurer, các nhà máy ở Đồng Tháp đã và đang thực hiện đơn đặt hàng xoài, thanh long cùng nhiều nguyên liệu khác tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đi Đức, Nhật, Nga. Ông Triển đã hợp tác với Cty TNHH TM-DV XNK Bé Dũng ở Bình Thuận để bổ sung nguồn lực làm hàng xuất khẩu.

Xoài Cao Lãnh được Cty TNHH CNTP Việt Đức xuất khẩu- Ảnh GV

Một cách làm khác, Sơn La tạo nguồn lực bằng cách xây dựng thế mạnh theo tuyến huyện. Ví dụ huyện Yên Châu có hơn 1.500 ha xoài (thực ra chỉ có 23 ha được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện vào thi trường Mỹ, Australia và các nước, 130 ha được cấp chứng nhận VietGAP). Diện tích xoài hơn 500 ha, ước tính sản lượng gần 6.000 tấn. Khoảng 1.300 tấn trong số này thuộc chuỗi sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường. Năm 2019, lần đầu tiên sản phẩm xoài Sơn La được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (3.000 tấn xoài tượng). Mới đây, 25 tấn xoài tượng da xanh của Sơn La được Công ty TNHH SX&TM Rồng Đỏ (TP.HCM) và Công ty TNHH TM&DV Trường Mai (Sơn La) xuất khẩu sang Australia. Tại Mường La có khoảng 2.600 ha trồng xoài, trong đó 1.700 ha đang cho thu hoạch. Khoảng 1.300/7.000 tấn xoài được xuất khẩu sang Trung Quốc, còn lại bán tại các siêu thị như Go! winmart, Hapromart và các cửa hàng hoa quả sạch, chợ đầu mối của nhiều địa phương trong cả nước. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Xoài Sơn La” và chuyển trao Chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Xoài Sơn La” của Cục Sở hữu trí tuệ cho Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La quản lý. Việc quảng bá thương hiệu gắn cách tổ chức quản lý vùng trồng theo tuyến huyện cho từng thị trường là cách làm hữu hiệu trong kết nối đầu ra của Sơn La.

Cuộc đua giống “ thượng hạng”

Trong suốt chuỗi “biến cố” với trái cây ở ĐBSCL, có thể thấy tuy giá sầu riêng giảm 50% so với lúc bình thường, nhưng vẫn còn khá hơn những loại trái cây khác.

Việt Nam nổi tiếng với giống sầu riêng Ri6- Ảnh internet

Cuộc đua giống sầu riêng đang được kích hoạt. Trước đây các nhà vườn đua nhau tìm giống Thái Lan thì nay tìm giống sầu riêng Musang King, được Hiệp hội giống cây trồng thế giới chính thức công nhận vào năm 1993. Người phát hiện ra giống sầu riêng nổi tiếng này là Wee Chong Beng. Cây đầu dòng được tìm thấy ngay tại làng Musang ở Kelantan, bang Sabah - Malaysia (còn có tên Musang King Durian, Raja Kunyit hoặc Cat Mountain King). Musang King nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng như nghệ, hạt siêu lép, ráo hoãnh không bị nhão, hương thơm vị béo đậm đà, chất lượng đứng đầu thị trường thế giới. Hiện nay, Tanah Merah, Kelantan của Malaysia là nơi trồng giống sầu riêng này nhiều nhất. Kế đó là Mon Thoong của Thái Lan, nhưng giống này có ưu thế che phủ và người Thái rất giỏi làm thị trường. Trong những năm gần đây, tuy sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc chịu áp lực cạnh tranh từ các nước, nhưng theo báo cáo mới công bố, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong tháng 5/2021 đạt mức cao kỷ lục 934,9 triệu USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng 130,9%. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan năm nay sẽ tăng 35-40%, đạt xấp xỉ 2,8-29 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục xuất khẩu được tạo ra vào năm ngoái và đưa sầu riêng trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao sau cao su và khoai mì ở Thái Lan. 

Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 1,1 triệu tấn sầu riêng, 99% trong số đó từ Thái Lan (tương đương 822.620 tấn đến từ Thái Lan, nhập từ Việt Nam chỉ khoảng 12.326 tấn) dù giá sầu riêng Thái tại thị trường Trung Quốc vẫn tăng đều đặn. Năm 2021, Trung Quốc nâng sản lượng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng nguồn cung vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dù Thái Lan có thể cung cấp sầu riêng quanh năm, cao điểm từ tháng 4 đến tháng 10. Có hai cách tiếp cận thị trường: Malaysia trồng sầu riêng Musang King tiếp cận phân khúc cao cấp. Trong khi đó Thái Lan trồng nhiều loại sầu riêng hơn để đáp ứng thị trường với  khẩu vị đa dạng của các nhóm tiêu dùng. Trong đó sầu riêng Mon Thoong, Chanee và Kanyao, Mon Thoong là loại được ưa chuộng nhất tại thị trường Trung Quốc (chiếm 95% lượng sầu riêng của Thái Lan bán vào Trung Quốc). 

Số hóa thông tin thị trường

Trước khi làn sóng đại dịch bùng phát lần thứ tư, Trung tâm Thương mại Quốc tế  phát tín hiệu lạc quan từ các mã HS 080450 - trái ổi, xoài, măng cụt- khi thống kê Quý I/2021, cho thấy trong khi EU giảm nhập khẩu xoài từ các thị trường Pê-ru, Pháp, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Eucuador, lại tăng nhập khẩu từ nhiều thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã xuất sang EU trái ổi, xoài và măng cụt trong quý I/2021, giá trị kim ngạch trên 437.000 USD, tăng 50,7% so với quý I/2020. Thị phần trái ổi, xoài và măng cụt của Việt Nam trong tổng giá trị nhập khẩu của EU tăng từ 0,08% trong quý I/2020 lên 0,12% trong quý I/2021. Nông sản Việt còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu mặt hàng vào EU nhờ lợi thế EVFTA và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn khi vào thị trường này.

Thực trạng cho thấy, khó khăn của bà con nông dân là luôn thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu đào tạo. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, được Chính phủ ban hành ngày 25/2/2021 đặt mục tiêu tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Khó khăn của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố, không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái... Thu hẹp khoảng cách này, chính là lợi thế của công nghệ số, của chuyển đổi số; cần đào tạo trực tuyến để bất cứ học sinh nào, dù là nông thôn hay thành phố đều có thể học được. Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ TT&TT sẽ đồng hành với Bộ NN&PTNT trong công cuộc này, “Chúng ta có một bản đồ hệ thống thông tin, giải quyết được về lịch thời vụ, chủ động được thông tin sản xuất, sản lượng, đầu cung,... chắc chắn sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản kể cả khi có dịch Covid-19 hay không có dịch”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kỳ vọng.

Gia Viên_ Trung tâm BSA