Xuất bản thông tin

null Phát triển ngành hàng nhãn

Thông tin thị trường Tin tức

Phát triển ngành hàng nhãn

Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, diện tích nhãn của Việt Nam đạt 70.207 ha, sản lượng 551.947 tấn. Sơn La là tỉnh có diện tích nhãn lớn nhất nước (18.702 ha), tỉnh Hưng Yên đứng thứ 4 cả nước với diện tích 4.665 ha. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nhãn 24.913 ha, sản lượng 227.624 tấn, như vậy dù đồng bằng sông Cửu Long diện tích nhãn chỉ chiếm 31% diện tích nhưng sản lượng chiếm 40% sản lượng nhãn cả nước. Trong đó, Vĩnh Long đứng đầu về diện tích nhãn 6.129 ha, kế đến là Đồng Tháp có diện tích 5.515 ha; Sóc Trăng đứng thứ 3 với diện tích 3.552 ha và TP. Cần Thơ đứng thứ tư đạt 2.512 ha

Cây nhãn ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung có nhiều lợi thế. Trước hết nhãn của đồng bằng sông Cửu Long có trái quanh năm, trong khi miền bắc Việt Nam và các nước trồng nhãn khác như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Úc, Campuchia… đều cho trái theo mùa và năm trúng năm thất, do đó áp lực cạnh tranh nhãn không lớn do có rất ít nước trồng được nhãn.

Năm 2015 nhãn xuất khẩu được 107 triệu USD, tăng lên 228 triệu USD năm 2016 và 384 triệu USD năm 2017. Sau đó Trung Quốc bắt đầu siết chặt lượng nhãn nhập khẩu theo tiểu ngạch nên năm 2018 giảm còn 297 triệu USD và 2019 chỉ còn 147 triệu USD, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2020 xuất khẩu nhãn chỉ còn 32 triệu USD, giảm 82,5% so với cùng kỳ năm 2019; 5 tháng đầu năm 2021 chỉ có 7,091 triệu USD, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020.

        Xuất khẩu nhãn Việt Nam giai đoạn đầu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc và xuất qua đường tiểu ngạch. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, lượng nhãn Việt Nam qua Trung Quốc lần lượt là 171, 209, 253, 343 và 326 nghìn tấn trong khi Thái Lan chỉ có lần lượt là 155, 145, 104, 186 và 131 nghìn tấn. Cuối năm 2019, khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới Việt – Trung thì nhãn Việt giảm còn 127 nghìn tấn, nhãn Thái tăng lên 279 nghìn tấn. Vào năm 2020, nhãn Việt chỉ có 4.592 tấn giảm 96,39% so với năm 2019 và nhãn Thái đạt 342.159 tấn, tăng 22,52% so với năm trước.

Ngoài nhãn Edor, Việt Nam còn có những giống nhãn nổi tiếng như xuồng cơm vàng, nhãn lồng Hưng Yên… thế nhưng giá nhãn Việt Nam xuất qua Trung Quốc lúc nào cũng thấp hơn nhãn Thái. Trong giai đoạn 2018 - 2020, giá xuất nhãn của Thái lần lượt là 1,36, 1,27 và 1,43 USD/ kg  so với nhãn Việt Nam lần lượt là 0,58, 0,56 và 0,66 USD/kg, dẫn đến chi phí thuế giá trị gia tăng thấp cùng với lợi thế về mặt địa lý thế nhưng người tiêu dùng Trung Quốc lại từ bỏ nhãn Việt quay trở lại nhãn Thái.

Nhãn Việt Nam qua Trung Quốc theo chiến lược giá thấp, chiến lược này đã thành công suốt giai đoạn từ 2015 đến 2018, chiếm thị phần ưu thế tuyệt đối so với nhãn Thái ở tầng lớp bình dân, nhưng vắng bóng ở các siêu thị bán lẽ ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, không tiến ra Bắc Kinh, Thượng Hải. Khi Trung Quốc đặt ra hàng rào kỹ thuật thì nhãn Thái trồi lên chiếm ưu thế tuyệt đối, đánh bật nhãn Việt ra khỏi thị trường Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc bỏ số tiền cao (23 yuan/kg tương đương 84.500 đồng/kg) để mua nhãn Thái ở các siêu thị cho thấy họ rất quan tâm đến chất lượng và tính an toàn sản phẩm. 

Lý do người Thái xâm nhập được thị trường với diện tích trên 400.000 ha nhãn, sản lượng 2,4 triệu tấn là nghiên cứu rất kỹ tập quán của người tiêu dùng Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhãn trong thời gian tháng 1-2 và tháng 11-12, trong đó tháng 1-2, là Tết Nguyên đán mà người Trung Quốc thích mua nhãn vì nó là loại quả mang lại điềm lành có tên là Long nhãn có nghĩa là mắt rồng.  Tháng 7-8 là mùa vụ thu hoạch nhãn đồng loạt của Trung Quốc và Thái Lan sản xuất ra một lượng lớn, họ chuyển qua khai thác quà biếu tặng nhân dịp tết Trung Thu và đáp ứng nhu cầu ăn vặt của giới trẻ.

 

Nguyễn Phước Tuyên