Xuất bản thông tin

null Tình hình xuất khẩu gạo trong 6 tháng 2021

Thông tin thị trường Tin tức

Tình hình xuất khẩu gạo trong 6 tháng 2021

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 13,7% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Đối với mặt hàng gạo, xuất khẩu mặt hàng này đã liên tục giảm trong 2 tháng gần đây trong bối cảnh gạo Việt Nam phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường gạo thế giới với các nước cung cấp khác như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia hay Pakistan. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6/2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 436,14 nghìn tấn, trị giá  241,61 triệu USD, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 554 USD/tấn, giảm 30,4% về lượng, giảm 28,7% về trị giá và tăng 4,4% về giá xuất khẩu so với tháng trước. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,027 triệu tấn, trị giá 1,648 tỷ USD, giảm 14,0% về lượng và giảm 4,0% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Philippin, Trung Quốc và Ghana là 3 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 65% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong thị trường xuất khẩu gạo trong tháng 6, đứng đầu là Philippines đạt 150,735 nghìn tấn giá trị 78,793 triệu USD, lũy kế 6 tháng đạt 1.092,957 nghìn tấn giá trị 579,834 triệu USD. Kế đến là Trung Quốc trong tháng 6 đã nhập 98,094 nghìn tấn, giá trị 55,736 triệu USD, lũy kế đạt 580,942 nghìn tấn, giá trị 308,683 triệu USD. Gana đứng thứ ba đạt 62,483 nghìn tấn, giá trị 36,093 triệu USD, lũy kế đạt 327,551 nghìn tấn, giá trị 191,302 triệu USD. Giá xuất khẩu gạo bình quân qua các nước Malaysia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà, Mỹ và châu Âu lần lượt là 515, 523, 577, 568, 578, 617, 736 và 1.012 USD/tấn. Nhìn chung gạo xuất được qua các thị trường khó tính thì sẽ có giá cao hơn. Trong thống kê của Tổng cục Hải quan bỏ qua Cuba trong 6 tháng đã nhập 121.800 tấn gạo của Việt Nam.

Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với gạo giá rẽ của Ấn Độ và giá cước vận chuyển gạo xuất khẩu gia tăng. Chính phủ Ấn Độ vừa có chính sách trợ giá phân bón vừa hỗ trợ mua lúa giá cao. Nông dân trồng lúa Ấn Độ được mua phân Urea với giá 5 rupees/kg (1.662 đồng/kg) và phân DAP giá 24 rupees/kg (7.440 đồng/kg) nên giá thành sản xuất chỉ có 12,93 rupees/kg (4.008 đồng/kg), lại được chính phủ bao tiêu giá 19,4 ruppes/kg (6.014 đồng/kg). Do đó giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ rất thấp, gạo Ấn Độ 5% tấm trong 7 tháng đầu năm 2021 lần lượt là 401, 398, 408, 411, 390, 385 và 387 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam tương ứng là 505, 509, 508, 487, 485, 456 và 472 USD/tấn. Gạo Ấn Độ giá rẻ chẳng những thu hút các bạn hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana mà ngay cả Việt Nam đã nhập 250.000 tấn gạo cấp thấp của Ấn Độ (Bộ Nông nghiệp Mỹ 6/2021).

Giá cước vận chuyển gạo tăng vọt cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo qua các nước châu Âu và Mỹ. COVID-19 đã tiếp tục tác động đến dòng chảy thương mại cũng như thiếu container và giá vận chuyển tăng, đặc biệt qua Liên minh Châu Âu (EU). Chi phí vận chuyển trong quý I/2020, giá một container 20 feet từ Đông Nam Á đến Liên minh châu Âu không vượt quá 1.500 USD, nhưng trong quý I/2021, giá đã tăng lên 8.000 USD/container 20 feet. Chi phí vận chuyển đến Hoa Kỳ đã tăng từ 2.500 lên 14.000 USD/ container 40 feet và sẽ tiếp tục tăng.

         Trước áp lực cạnh tranh gạo trắng giá rẻ của Ấn Độ, Việt Nam nên chăng chuyển qua hướng gạo thơm và nếp. Từ năm 2018, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đến năm 2020, với việc gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới đã góp phần rút ngắn khoảng cách về giá xuất khẩu gạo thơm giữa Việt Nam và Thái Lan. Giống gạo thơm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Jasmine của Mỹ du nhập vào Việt Nam từ năm 1985, chất lượng thua xa gạo Khao Daw Mali của Thái Lan nên giá bán chỉ bằng phân nửa gạo thơm Thái. Từ năm 2016 đến tháng 5/2021, giá gạo thơm xuất khẩu của Thái Lan là 768, 843, 1.167, 1,212, 1.051 và 881 USD/tấn. Trong khoảng thời gian trên, gạo thơm Việt Nam chỉ xuất khẩu với giá 447, 523, 539, 465, 491 và 529 USD/tấn, cao hơn giá gạo 5% tấm 100-151 USD/tấn giai đoạn 2016-19, nhưng giai đoạn 2020-2021 chênh lệnh này chỉ còn 51 và 24 USD/tấn. Sau khi giống gạo thơm ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thì giá gạo thơm Việt Nam tăng lên trên 700 USD/tấn xuất qua Mỹ và các nước châu Âu.

Gạo nếp cũng là lợi thế vì chỉ có Việt Nam và Thái Lan (gần đây có Campuchia) xuất khẩu mặt hàng này. Do nếp Thái là giống nếp mùa dài ngày nên năng suất rất thấp, chỉ 1-2 tấn/ha nên lượng nếp xuất khẩu giới hạn trong khoảng 120.000-180.000 tấn. Trong khi nếp Việt Nam là giống ngắn ngày cao sản nên sản lượng xuất khẩu có khả năng trên 1 triệu tấn, năm 2017 lên đến 1,412 triệu tấn. Giá nếp Thái trong giai đoạn 2016 đến tháng 5/2021 có giá lần lượt là 841, 703, 707, 1.105, 1.064 và 776 USD/tấn, trong khi nếp Việt chỉ có 501, 461, 468, 533, 570 và 496 USD/tấn, chênh chệch 242-572 USD/tấn so với nếp Thái. Nguyên nhân của sự chệnh lệch này là trong suốt 20 năm qua, nhà nước không quan tâm đầu tư  nâng cao chất lượng nếp Việt, để cho nông dân và doanh nghiệp tự bơi. Công tác cải thiện và nâng cao chất lượng nếp Việt đơn giản hơn nhiều vì nếp thị trường chỉ quan tâm duy nhất là độ dẻo, trong khi gạo thơm lại quan đến độ dài (>7,2mm), độ dẻo (amylose <18) và mùi thơm. Khó khăn duy nhất của xuất khẩu nếp là thị trường tiêu thụ phần lớn là Trung Quốc.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố vụ Hè Thu năm 2021 đạt thắng lợi về sản lượng, nhưng đa số nông dân chịu lỗ vì giá bán lúa giảm mạnh do giãn cách Covid-19 và chi phí vật tư tăng mạnh. Giá lúa gạo giữa tháng 7/2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp đà giảm trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẵn sàng phương án '3 tại chỗ' để có thể duy trì hoạt động an toàn trong mùa dịch.

Tại An Giang, giá lúa nếp giống Long An giảm 200 đồng, xuống còn 4.400 - 4.600 đồng/kg; Nếp vỏ tươi An Giang sau khi giảm mạnh hôm qua, nay giữ giá 4.200 - 4.300 đồng/kg. Lúa thường giống OM380 hiện không có người mua.

Trong nửa đầu của tháng 7, xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam đi Châu Phi bật tăng, xuất khẩu đi Philippines có xu hướng ổn định, trong khi đó xuất đi Trung Quốc và Malaysia vẫn ở mức thấp (do nhu cầu gạo thường và tấm của Malaysia và Indonesia chuyển sang mua nhiều ở thị trường Ấn độ)./.

Nguyễn Phước Tuyên