Xuất bản thông tin

null Xuất khẩu gạo tháng 5 và triển vọng tháng 6

Thông tin thị trường Tin tức

Xuất khẩu gạo tháng 5 và triển vọng tháng 6

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 10 mặt hàng thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, chè, gạo, cà phê, sắn và sản phẩm sắn, cao su, rau quả, gỗ trong tháng 5/2021 đạt 3,89 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng tới 34,9% so với tháng 5/2020. Nếu so với tháng trước, ngoại trừ kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu, gạo và rau quả giảm nhẹ dưới 5%, các mặt hàng còn lại đều tăng trưởng. Trong đó, tăng mạnh nhất tiếp tục là cao su và hạt điều với mức tăng lên tới 26,1% và 18,2%.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 13,4% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như gỗ và sản phẩm gỗ tăng 61,3%; cao su tăng 94%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 27,6%; hạt tiêu tăng 25,1%; rau quả tăng 18%...

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 5 đạt 626.750 tấn, kim ngạch 339,052 triệu USD, giảm 19,9% về khối lượng và 20,1% về giá trị so với tháng 4/2021. Cộng dồn 5 tháng xuất khẩu được 2.598.446 tấn gạo, kim ngạch 1,41 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và 5,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

 

Thị trường gạo trong 5 tháng đứng đầu là Philippines (944.008 tấn, 501,972 triệu USD), kế đến là Trung Quốc (482.848 tấn, 252,947 triệu USD); Ghana (270.068 tấn, 158.126 triệu USD); Bờ biển Ngà (199.376 tấn, 100,958 triệu USD); Malaysia (136.560 tấn, 72,644 triệu USD), châu Âu (10.645 tấn, 7.012 triệu USD) và Mỹ (7.675 tấn, 5,768 triệu USD).  

Trong chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng xuất khẩu được 707.300 tấn chiếm tỷ lệ 34%; gạo thơm 716.000 tấn, chiếm tỷ lệ 34%; nếp 489.700 tấn, chiếm tỷ lệ 24%; gạo đặc sản (ST25, ST24 KDM…) 110.240 tấn, tỷ lệ 5% và còn lại là gạo Nhật được 64.400 tấn.

 

Giá xuất khẩu bình quân trong tháng 5 của gạo trắng 5% tấm là 463 USD/tấn (10.672 đồng/kg), giảm 2 USD/tấn so với tháng 4; gạo thơm Jasmine có giá 536 USD/tấn (12.355 đồng/kg), tăng 12 USD/tấn so với tháng 4; gạo nếp xuất giá 474 USD/tấn (10.926 đồng/kg), giảm 1 USD/tấn so với tháng 4, giá nếp tại Trung Quốc là 4 yuan/kg (14.347 đồng/kg). Tuy nhiên, lúa OM 18, Đài Thơm 8 giá 5.700-6.100 đồng/kg, lúa nếp vẫn ở mức thấp 5.000-5.400 đồng/kg.

Trong tháng 5, giá gạo bình quân xuất qua Bờ biển Ngà 514 USD/tấn (12.080 đồng/kg), qua Trung Quốc là 517 USD/tấn (12.160 đồng/kg), qua Philippines giá 528 USD/tấn (12.409 đồng/kg), qua Singapore giá 572 USD/tấn (13.439 đồng/kg), qua Ghana giá 589 USD/tấn (13.843 đồng/kg), qua châu Âu giá 699 USD/tấn (16.425 đồng/kg) và qua Mỹ giá 705 USD/tấn (16.556 đồng/kg).

 

Philippines trong 5 tháng đầu năm đã ký hợp đồng nhập khẩu 1,907 triệu tấn gạo,  972. 954 tấn gạo đã cập cảng. Trong đó Việt Nam đã ký hợp đồng được 1,682 triệu tấn (chiếm tỷ lệ 88%) và đã chuyển giao 885.724 tấn (chiếm tỷ lệ 91%). Trong tháng 6, thị trường gạo tại Philippines đang khó khăn do họ sẽ nhập nhiều gạo thường giá rẻ từ Ấn Độ (rẻ hơn gạo Việt Nam 100 USD / tấn) để đa dạng hóa nguồn hàng gạo. Tuy nhiên, một số bị hàng ở Phlippines vẫn có nhu cầu giống gạo ĐT8 và OM5451 đầu vụ hè thu 2021 và một số thương nhân đã ký kết mua ĐT8, OM5451 giao hàng từ cuối tháng 6 năm 2021.

Thị trường gạo tại Trung Quốc lại càng khó khăn do phải cạnh tranh với Pakistan, Myanmar, Ấn Độ và Thái Lan. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập 1,92 triệu tấn gạo, Pakistan được 535.000 tấn, Myanmar 426.000 tấn, Ấn Độ 284.000 tấn, Thái Lan 160.000 tấn và Campuchia 129.000 tấn. Việt Nam chen vào được 338.000 tấn chủ yếu là gạo nếp nhưng sau mùng 5 tháng 5 âm lịch, nhu cầu tiêu thụ gạo nếp có thể tiếp tục giảm nên tiêu thụ gạo nếp đã yếu đi và nguồn cung gạo nếp đang đối mặt với nguy cơ giảm giá. Các loại nếp hiện tồn kho cao vẫn chưa tiêu thụ được, do diện tích gieo trồng và sản lượng lúa nếp đạt mức cao tạo áp lực cạnh tranh ở vụ sau của lúa nếp càng gay gắt.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu gạo lên 17 triệu tấn, trong Quí I, Ấn Độ đã xuất khẩu được 6 triệu tấn, trong đó có Việt Nam 250.000 tấn làm gạo IR50404 có nguy cơ giảm giá sâu bằng giá gạo Ấn.

Chủng đột biến Delta của đại dịch Covid 19 đang gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam có thể khiến việc thu mua lúa gạo tại địa phương chậm lại do tất cả các thương nhân địa phương sợ ra khỏi nhà và những người vận chuyển địa phương ngại vận chuyển lúa, gạo nguyên liệu đến nhà máy xay xát gạo. Một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang giãn cách xã hội từ 14-21 ngày từ đầu tháng 6/2021. Phí vận chuyển gạo trong container 20 feet từ các nước ASEAN sang châu Âu đã tăng từ 1.500 USD lên 8.000 USD/container; sang Hoa Kỳ đã tăng từ  2.500 USD lên  14.000 USD/container.

Bảng giá gạo xuất khẩu của các nước (đơn vị USD/tấn):

Quốc gia

Lọai gạo

12-Tháng 5

19-Tháng 5

13-Tháng 6

Thái Lan

100% gạo trắng

481

465

455

5% tấm

471

455

445

25% tấm

485

476

425

Nếp Thái

724

719

693

Thơm Homali

745

725

695

Gạo đồ

478

464

483

Campuchia

Thơm Phka Malis

780

750

770

Thơm Sen Kra Ob

700

700

760

Myanmar

5% tấm

420

420

420

Ấn Độ

25% tấm

362

358

360

5% tấm

375

375

380

Basmati mùa

1.425

1.425

1.280

Basmati cải tiến

1.125

1.125

890

Việt Nam

25% tấm

472

468

465

5% tấm

495

495

485

Gạo Nhật

550

545

540

Jamine

565

575

585

Ths Nguyễn Phước Tuyên