Xuất bản thông tin

null Tiếp tục Đề án Tái cơ cấu ngành hàng Lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

TÁI CƠ CẤU NN Tin tức

Tiếp tục Đề án Tái cơ cấu ngành hàng Lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Sáng ngày 25/12/2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Trồng trọt đã tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và đề xuất các kiến nghị, bổ sung, chỉnh sửa Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 tại khu vực các tỉnh phía nam, do ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá năm 2020 tình trạng hạn mặn và biến đổi khí hậu nói chung đã tác động mạnh mẽ đến ngành hàng lúa gạo, tuy nhiên Ngành Trồng trọt đã có những định hướng kịp thời thích ứng để giúp ổn định ngành hàng, đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có các chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động kịp thời sang lĩnh vực phi nông nghiệp trong khu vực nông thôn, song song đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp nói chung và riêng ngành hàng lúa gạo. Tuy vậy, theo ông, rõ ràng các chính sách của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời đáp ứng trong thời điểm khó khăn nhất trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng dịch bệnh.

Từ những kết quả của Hội thảo lần này, thông qua dự án VnSAT, các dự án phi chính phủ khác, ngành trồng trọt sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, đề xuất các chính sách phù hợp nhất cho việc phát triển ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn mới đảm bảo xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 thật sự phù hợp đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Description: C:\Users\Admin\Desktop\Dang tin bai\NAM 2021\QUI 1-2020\10. Tan Vuong\Hoi nghi tong ket TCC nganh lua gao\hinh.JPG

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, đai biểu đã được nghe chuyên gia tư vấn kỹ thuật Trần Xuân Định đánh giá tóm tắt toàn diện kết quả thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo Quyết định số 1989/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016. Trong đó, ông đã đề xuất 11 nhóm giải pháp chủ yếu cho việc xây dựng Đề án ở giai đoạn mới, gồm: tái cấu trúc lúa gạo phải dựa trên quan điểm đảm bảo bền vững an ninh lương thực quốc gia; lấy tiêu chí về giá trị, chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân thay vì về số lượng như trước đây; tiếp tục rà soát đất lúa, duy trì theo kịch bản 2 để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; rà soát chỉnh sửa các quy định về chuyển đổi, phan rõ chuyển đổi từ đất lúa sang mục đích khác với các cấp độ khác nhau; đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất, nhất là hợp tác giữa người sản xuất với doanh nghiệp; đầu tư xứng đáng cho nghiên cứu khoa học công nghệ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các giống lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích áp dụng các giải pháp SRI, SRP, 3G3T, 1P5G…; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước ngọt chủ động ứng phó hạn mặn; có chính sách cơ giới hóa, cơ chế đầu tư ở một số khâu có tác động mạnh đến sản xuất; tập trung giải quyết công ghệ sau thu hoạch và chế biến, phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ lúa gạo; có quy định chặt chẽ trong việc thu gom nguyên liệu, tránh đảo trộn nhiều giống làm chất lượng không đồng đều; hoàn thiện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, đăng ký bảo hộ thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo thiết lập sự hiện diện thương mại trực tiếp ở các thị trường nước ngoài, nên để các doanh nghiệp nhỏ tự xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao với khối lượng nhỏ để họ tự khai phá các thị trường khó tính.

Tại Hội thảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - PGS.TS Bùi Bá Bổng có các đề xuất về mục tiêu của chính sách sửa đổi đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 tập trung ở 7 nhóm vấn đề: đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dung trong nước, làm trụ cột cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dung;xuất khẩu gạo theo chất lượng cao và giá trị cao.

Ngoài ra, tại phần thảo luận của Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cũng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp sắp tới cho Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo như: cần có quy hoạch vùng, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách căn cơ hơn, quyết liệt hơn; nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa chất lượng cao phù hợp cho từng vùng miền; đề xuất thực hiện chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa máy cấy trong sản xuất lúa; định hướng về hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp; tận dụng các mối quan hệ quốc tế trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo; xem xét tỷ lệ xuất khẩu gạo chất lượng cao và gạo thương phẩm thấp; có sự quy hoạch trong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, việc chuyển đổi phải đảm bảo với định mức hạn điền; tập trung tích tụ đất đai nhưng đảm bảo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giải quyết vấn đề chuyển giao kiến thức khoa học công nghệ và khuyến nông cho nông dân; quan tâm lồng ghép đề án nông nghiệp hữu cơ cùng song hành với đề án này; quan tâm đến vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất lúa gạo; xem xét bổ sung giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng mô hình canh tác thông minh 4.0, cơ giới hóa toàn diện trong sản xuất lúa gạo;…

T. Vương