Xuất bản thông tin

null Chương trình Khoa học và công nghệ góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới

Trang chủ Tin tức

Chương trình Khoa học và công nghệ góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới

Chiều ngày 3/10, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025

Quang cảnh tại điểm cầu Tỉnh Đồng Tháp, do ông Huỳnh Minh Tuấn
- Phó Chủ tịch UBND chủ trì

Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.  Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có các lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước. Tại điểm cầu Đồng Tháp có ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.  

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011-2015, kéo dài đến 2017) thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 05/01/2012; Giai đoạn II (2016-2021 kéo dài đến tháng 6/2022), thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/01/2017.

Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn II, cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ (gồm 50 đề tài , 34 dự án) Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở 5 nhóm nội dung lớn với tổng kinh phí thực hiện gần 586 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đối ứng ngoài nhà nước là 236,54 tỷ đồng, chiếm 40,4%. Phần ngân sách nhà nước cấp là 379 tỷ đồng, trong đó để thực hiện các đề tài, dự án là trên 324,3 tỷ, cắt giảm theo quy định là 29,8 tỷ. Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập; việc làm; quy hoạch; thuỷ lợi; môi trường và chất lượng sản phẩm; văn hoá; chính trị và tiếp cận Pháp luật. Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị KHCN để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.

Tại tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn từ năm 2016 - 2021, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã phê duyệt 33 nhiệm vụ  (04 nhiệm vụ cấp quốc gia, 29 nhiệm vụ cấp tỉnh) được triển khai nhằm góp phần phục vụ Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, kết quả cuối năm 2021 có 103 xã (đạt tỷ lệ 89,5% tổng số xã toàn Tỉnh) đã được Chủ tịch UBND Tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; được Thủ tướng Chính phủ công nhận 02 huyện (Tháp Mười, Cao Lãnh) đạt chuẩn nông thôn mới và 03 đơn vị thành phố (Hồng Ngự, Sa Đéc, Cao Lãnh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đã trở thành phong trào làm cho bộ mặt nông thôn toàn tỉnh thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội cơ bản đạt yêu cầu phục vụ tốt hơn nhu cầu về sản xuất và dân sinh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,13%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 91%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 86%.

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình tập trung bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19). Với định hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh”; các đề tài thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù và điều kiện địa phương. Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng; Huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình theo hướng vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp lồng ghép các chương trình KHCN có liên quan để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện; Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các đề tài, dự án thuộc Chương trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tính lan tỏa./.

Huỳnh Mai – VPĐP Tỉnh