Xuất bản thông tin

null Cải cách hành chính trong phát triển ngành nghề nông thôn

Chi tiết bài viết CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cải cách hành chính trong phát triển ngành nghề nông thôn

Thực hiện cải cách hành chính của Tỉnh nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn được rà soát, cập nhật liên tục nhằm hoàn thiện tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt động ngành nghề nông thôn được thụ hưởng nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tuyên truyền, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tập huấn đến các địa phương, tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận với các sản phẩm khá đa dạng như: đan đát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,… Nhìn chung, các làng nghề hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đi kèm với đó là các chính sách về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, vốn vay, xúc tiến thương mại… nhằm bảo tồn, phát triển các ngành nghề này.

Ngày 16/10/2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hoá Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào việc xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ kinh phí để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch. Ngoài ra, theo Nghị định 52, các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư công; được áp dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng và các nguồn quỹ. Đây đều là những chính sách nhằm hỗ trợ để duy trì được các ngành nghề truyền thống, cần thiết phải bảo tồn; thúc đẩy các ngành nghề nông thôn phát triển, mang lại thu nhập cao hơn cho khu vực nông thôn.

Ngoài ra, Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn có một số điểm mới so với Nghị định 66 trước đó, nhất là việc mở rộng đối tượng áp dụng thêm cho tổ hợp tác, hộ gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý ngành nghề nông thôn. Nghị định cũng giảm tiêu chí công nhận làng nghề xuống, chỉ còn 20% tổng số hộ trên địa bàn nông thôn có hoạt động nghề truyền thống là được Nhà nước công nhận làng nghề (trước đó là 30%). Các thủ tục để được công nhận được quy định rõ hơn về thời gian xử lý. Hy vọng, với những nỗ lực trên, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nghề, làng nghề được công nhận để từ đó có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ phát triển, cải thiện hơn nữa thu nhập từ việc làm nghề của lao động ở khu vực nông thôn theo đúng mục tiêu, ý nghĩa của chính sách này.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện cải cách hành chính trong phát triển ngành nghề nông thôn vẫn chưa đạt được như mong muốn. Một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu quan tâm chỉ đạo trong triển khai thực hiện, công tác thông tin, tuyên truyền đến các cơ sở ngành nghề nông thôn đôi khi còn chậm so với yêu cầu, vẫn còn một số trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị công nhận, thu hồi nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống chưa đúng theo thời gian quy định.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ ngành nghề nông thôn phát triển thực sự hiệu quả, việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác triển khai cần phải tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa. Cần tập trung một số giải pháp sau:

Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện chính sách như ngoài các phương tiện thông đại chúng, tăng cường lồng ghép vào các chương trình Hội nghị, Hội thảo, các buổi sinh hoạt của các tổ chức đại diện của nông dân như Hợp tác xã, tổ hợp tác,… trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời, vận hành hợp lý cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương từ các chương trình, đề án, dự án với các nguồn tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ và của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nghề và làng nghề để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị sản phẩm và bản sắc văn hóa của bản địa. Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm./.

                                                                                                                    Kiều Ngoan_PTNT