Xuất bản thông tin

null Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) của Sở nông nghiệp và PTNT năm 2022

Chi tiết bài viết CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) của Sở nông nghiệp và PTNT năm 2022

Ngày 15/6/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh (PCI) của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022. Theo đó với mục đích nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm mục đích hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của địa phương. Tiếp tục quán triệt nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu đơn vị trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiên quyết vượt khó và đoàn kết cùng thực hiện. Đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như: tính minh bạch, chi phí không chính thức.

Đối với các Chỉ số, Sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục hiện tốt nhiệm vụ giải pháp, cụ thể như sau:

1. Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”

a) Phòng Kế hoạch - Tài chính: chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở:

 Tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tham gia góp ý, bổ sung kịp thời văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý ngành, các văn bản của tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đảm bảo đúng quy trình, tiến độ và thời gian quy định; rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đầu tư theo quy định.

b) Phòng kế hoạch - Tài chính, các Chi cục trực thuộc Sở phối hợp với Văn phòng Sở:

 Thực hiện niêm yết các bộ thủ tục hành chính, công khai mức phí, lệ phí tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở tại Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính côngtrên trang thông tin điện tử của Sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận và dễ thực hiện.

2. Chỉ số tính minh bạch

a) Phòng Kế hoạch - Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan:

- Thực hiện nghiêm về tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định của Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân.

- Chủ động cập nhật các văn bản, cơ sở pháp lý liên quan hoạt động doanh nghiệp và cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp để tiếp cận, nắm bắt.

b) Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan:

Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, công tác phòng chống tham nhũng; công khai minh bạch trong chỉ đạo điều hành để hạn chế tối đa tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng “mối quan hệ” trong hoạt động kinh doanh.

3. Chỉ số Chi phí thời gian

Các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở:

- Thực hiện văn hóa công sở, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn; khuyến khích tự học hỏi kiến thức, rèn luyện, nâng cao kỹ năng giải quyết công việc.

- Tăng cường tuyên truyền và đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 song song với việc đẩy mạnh dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

- Khuyến khích đề xuất, thực hiện các mô hình, cách làm hay trong cải cách hành chính, tránh hình thức và chạy theo thành tích; tiếp tục thực hiện công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

4. Chi phí không chính thức

a) Các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở đôn đốc nhắc nhở, thực hiện các nội dung chính sau:

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu.

- Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là những người trực tiếp giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Trồng trọt và BVTV, Kiểm lâm, xây dựng cơ bản,....

 - Rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kịp thời phát hiện và thay thế những người kém phẩm chất, yếu năng lực, có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

b) Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan:

Tăng cường công tác phòng và chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác.

c) Phòng Kế hoạch -Tài chính, các Chi cục trực thuộc Sở phối hợp với Văn phòng Sở:

 Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin “Một cửa điện tử”, “Một cửa liên thông”; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 liên quan đến doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật, công khai đầy đủ thông tin trên Trang thông tin điện tử Sở.

5. Chi phí cạnh tranh bình đẳng

Các Phòng Chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở: Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng “mối quan hệ” để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng (hợp đấu thầu, chỉ định thầu; giao, cho thuê đất đầu tư, sản xuất kinh doanh…) gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

6. Chỉ số tính năng động

Các Phòng Chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm. Phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các đơn vị trong thực thi các chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở.

- Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết các yêu cầu, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp”; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả.

7. Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Phòng Kế hoạch – Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025.

- Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; phát triển nguồn nhân lực; hình thành các chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số; đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển thương hiệu và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nguồn: 2108/KH-SNN

MV