Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp quyết tâm cải thiện PCI trong năm 2022

Chi tiết bài viết CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Đồng Tháp quyết tâm cải thiện PCI trong năm 2022

Mặc dù là tỉnh có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, nhưng với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng như cải thiện những điểm số chưa đạt mục tiêu đề ra, chiều ngày 31/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.

Mở đầu hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh đến ý nghĩa, tác động của PCI đến việc thu hút đầu tư, cũng như xây dựng thương hiệu của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu hội nghị
phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế của kết quả PCI,
từ đó đề xuất giải pháp, cách làm mới hiệu quả hơn

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, nhất là phải phòng chống dịch Covid-19 nên nhiều quyết định chưa từng có tiền lệ được ban hành đối với doanh nghiệp. Mặc dù vậy, kết quả PCI 2021 của tỉnh vẫn được duy trì ở top đầu, cho thấy doanh nghiệp luôn đặt niềm tin đối với chính quyền – người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ. Đồng thời, cảm ơn các doanh nghiệp và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, xây đắp niềm tin với doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp tiêu biểu
và doanh nghiệp FDI

Kết quả PCI 2021, Đồng Tháp đạt 70,53 điểm, đứng thứ 3 cả nước, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh phân tích từng chỉ số thành phần, báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư chỉ ra các quan ngại trong 05 năm gần nhất (2017 - 2021) đó là mức cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần tương đối chậm; riêng năm 2021 có 07/10 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2020 và là năm đầu tiên tỉnh không có chỉ số thành phần nào dẫn đầu cả nước.

Việc “gia nhập thị trường” vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc tiếp cận đất đai mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều trở ngại v.v..

Cùng với kết quả trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng, các sở, ngành tỉnh còn thông tin về giải pháp cải thiện các chỉ số liên quan, cũng như giải pháp nhằm hạn chế hiện tượng “tham nhũng vặt”, chi phí “bôi trơn”.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, các doanh nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, điều hành, chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, trong đó có giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Các doanh nhân cho biết, xếp hạng PCI của tỉnh cũng làm niềm vui, động lực của doanh nghiệp, có tác động không nhỏ đến các quyết định đầu tư.

Đại diện Công ty Cổ phần Thái Dương – một trong những doanh nghiệp
được tỉnh hỗ trợ tiếp cận đất đai để đầu tư trên địa bàn thành phố Hồng Ngự
chia sẻ tại hội nghị

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị tỉnh chỉ đạo mạnh mẽ hơn việc thông suốt chủ trương từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đào tạo chuyên môn tỉnh cần quan tâm đến đào tạo kỹ năng mềm, có đơn vị cung ứng lao động đa ngành cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, đất đai, chính sách hỗ trợ v.v..

Cảm ơn các ý kiến góp ý, chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, tỉnh luôn quyết tâm cải thiện và nâng cao kết quả PCI, không vì mục tiêu thứ hạng mà hướng đến sự hài lòng, sự thành công của doanh nghiệp khi đầu tư tại địa phương, cũng như sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng.

Đồng Tháp còn nhiều dư địa để nâng điểm số PCI, do đó ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện các giải pháp đề ra và phải luôn xem việc cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ hàng đầu, không chủ quan, tự bằng lòng với kết quả hiện tại mà chậm đổi mới, chậm cải cách. Nơi nào quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, kế cả hệ sinh thái khởi nghiệp thì nơi đó sẽ có sự phát triển nhanh và nhiều đổi mới trong lãnh đạo, điều hành.

Các cấp, các ngành phải xem các thành phần kinh tế phải như nhau, không có sự phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, đồng thời quan tâm, khuyến khích hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp; kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, chủ động đến với doanh nghiệp nhiều hơn; rà soát các chi phí liên quan doanh nghiệp, trong đó khắc phục tình trạng chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp – người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.

Ghi nhận thành tích, đóng góp trong nâng cao PCI tỉnh Đồng Tháp năm 2021, dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 10 cá nhân, trong đó có tập thể Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể

Năm 2022, Đồng Tháp đặt mục tiêu phấn đấu đạt điểm số PCI từ 73 điểm trở lên. Với mục tiêu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giải pháp trọng tâm:

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng và thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Lãnh đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu thuộc lĩnh vực phụ trách, hạn chế sự chồng chéo, đùn đẩy, tạo cơ hội hình thành các tiêu cực, nhũng nhiễu.

Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhánh chóng “gia nhập thị trường”; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận thông tin và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tiếp tục có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tiếp cận tín dụng và hỗ trợ kết nối tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường;

Tiếp tục nâng cao chất lương giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phục vụ nhu cầu lao động cho doanh nghiệp v.v..

Theo Dongthap.gov.vn