Xuất bản thông tin

null Hội nghị toàn quốc chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020

Chi tiết bài viết Tin tức

Hội nghị toàn quốc chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020

 Sáng 23/3/2021, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ( CT MTQG XD NTM) phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – gọi tắt là Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

           Chương trình OCOP quốc gia được thực hiện theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được Ban Chỉ đạo Trung Ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai sâu rộng. Các bộ, ngành và 63 tỉnh, Thành phố cũng đã tích cực vào cuộc, thông qua nhiều đề án để cụ thể hoá việc triển khai Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2018 – 2020.

    Kết quả triển khai thực hiện giai đoạn 2018-2020: Đến nay, đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm (57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả): Có 4.469/6.210 (72%) sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020). Trong đó, 62,2% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm đạt 4 sao và 1,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá để công nhận cho 21 sản phẩm OCOP quốc gia, 2.439/2.961 (82,4%) chủ thể tham gia có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó: 38,3% là HTX, 27,5% là doanh nghiệp, 31,5% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác. 

Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở Miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long... Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…  

 

Ảnh:  Ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng tỉnh Đồng Tháp tại Hội Nghị.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn (khoảng 5.400 làng nghề, trong đó gần 2.000 làng nghề truyền thống). Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương (hiện cả nước có khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động).

Sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp tham gia trưng bày tại Hội nghị

Việc tổng kết nhằm đánh giá toàn diện, tổng thể kết quả và tác động của 03 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Torng đó tập trung đánh giá về kết quả đạt được, chưa đạt, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó, đế xuất định hướng, quan điểm mục tiêu, giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó hội nghị cũng tổ chức trưng bày các sản phẩm từ 4-5 sao thuộc OCOP/OVOP/TOP của các nước Nhật Bản, Campuchia, Kenya, Lào, Colombia…nhằm tạo cơ hội cơ hội phối hợp với các đơn vị thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế vè sản phẩm OCOP/OVOP/TOP, đề xuất sáng kiến “Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã/làng một sản phẩm trong khối ASEAN”.

 

Các sản phẩm OVOP KENYA và OVOP JAPAN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương lưu ý phát triển những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường. Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; trong đó, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế./.

Mộng Thường VPĐP tỉnh